Ngày 8/5, tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thường xuyên nôn ói, tiêu chảy. Trên cơ thể người bệnh thi thoảng có những vết ngoằn ngoèo giống giun bò dưới da.
Gia đình cho biết người phụ nữ làm nông nghiệp, gia đình và hàng xóm nuôi nhiều chó mèo. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện bà nhiễm giun lươn và giun đũa chó mèo. Trong đó, giun lươn ký sinh trong đường tiêu hóa, là nguyên nhân gây tiêu chảy nhiều năm.
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc điều trị đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng, hiện sức khỏe ổn định. Bác sĩ nhận định trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy 10 năm là khá lâu, gây tổn thương các cơ quan, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.
Người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ. Ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây viêm não, màng não. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.
Ngứa là dấu hiệu điển hình của bệnh, trong đó, nhiều người ngứa đến mất ăn mất ngủ, gãi trầy xước da, toàn thân thâm tím, sứt sẹo.
Bác sĩ nhận định điều trị ấu trùng giun đũa chó mèo thường kéo dài, đáp ứng điều trị của mỗi người khác nhau. Có một số người cải thiện triệu chứng sau một lộ trình, nhưng nhiều người khác cần 2-3 đợt, luôn cần bác sĩ theo dõi sát, chỉnh thuốc cho phù hợp.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ chơi ở những nơi có phân chó mèo, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.
Thúy Quỳnh