Trao đổi trong buổi nói chuyện chuyên đề "Thận tinh - Suối nguồn của sự sống và sức khỏe" tổ chức tại Sở Y tế TP HCM cuối tuần qua, bác sĩ Trương Thìn, Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho rằng người đàn ông một lần không xuất tinh trong quan hệ tình dục như một lần được tiêm thêm liều testosterone.
Theo bác sĩ Thìn, nếu thực hiện được phương pháp bế tinh thì người đàn ông có thể tái hấp thu lại lượng testosterone vốn là thứ tinh túy nhất của cơ thể.
Nói về khái niệm thận tinh, bác sĩ Thìn cho biết, chữ thận trong Đông y gồm hệ sinh dục, tiết niệu, hệ xương cốt và tuyến thượng thận. Thận sản sinh nội kích tố gọi là thận tinh, phụ trách sự phát triển toàn bộ tâm thể của con người trong suốt cuộc đời.
Nam giới từ 14 đến 16 tuổi có thận khí sung mãn, thận tinh tràn đầy và đây là giai đoạn dậy thì theo khái niệm của y học hiện đại. Thận tinh, tức testosterone ở nam, giúp phát triển toàn bộ chức năng của tạng phủ và cả hệ cơ, khung xương. Đây là giai đoạn lột xác để từ một thiếu niên trở thành một người trưởng thành.
"Lạc thú yêu đương, ham muốn tình dục cũng xuất phát từ giai đoạn này. Có đến 150 triệu tinh trùng được sản sinh mỗi ngày nhưng chúng sẽ giảm dần theo tuổi tác", ông Thìn nói.
Cũng theo bác sĩ Thìn, thận tinh nam và thận tinh nữ (estrogen) có cả trong mỗi cơ thể dù nam hay nữ. "Estroren được sản sinh ngay trong tinh hoàn của đàn ông hoặc vỏ thượng thận, nếu giảm là giảm ham muốn, thậm chí loãng xương, lão hóa. Ngược lại nữ giảm testosterone thì cũng giảm ham muốn", ông Thìn nói.
![]() |
Đại diện Hội Đông y TP HCM trao kỷ niệm chương cho các lương y có nhiều đóng góp trong ngành y học cổ truyền, sáng 21/4. Ảnh: Thiên Chương. |
Thận tinh tác động lên tất cả cơ quan khác, nếu suy dẫn đến đề kháng kém, testosterone yếu gây các bệnh tim, tiểu đường, tiêu hóa, não bộ. Các bác sĩ Đông y cũng cho rằng, ngược lại nếu hô hấp yếu, ăn uống không đủ, lao lực, tâm thần không tốt thì hoạt động tình dục cũng không thể "nở hoa".
"Nhiều người trời chưa nóng đã thấy nóng, chưa lạnh đã thấy lạnh, hay lo sợ trước mọi việc, đây là người có dấu hiệu thận suy. Chính vì điều này mà việc hạn chế xuất tinh để tiết kiệm tinh binh và bồi bổ cơ thể luôn cần thiết", ông Thìn nói.
Theo Chủ tịch Hội Đông Y TP HCM, ngoài việc bế tinh, hiện có hai trường phái bổ sung thận tinh. Một là đưa testosterone và estrogen vào trực tiếp cơ thể bằng đường tiêm, chích, dán. Hai là dùng các loại thảo dược hoặc chế phẩm từ thiên nhiên để kích thích quá trình tự sản sinh thận tinh trong cơ thể.
Ông Thìn cho rằng trong hai cách bổ sung thì việc đưa trực tiếp thận tinh vào cơ thể tuy tác dụng nhanh nhưng dễ gây phản ứng phụ.
"Cách điều trị 'chính phái' đối với Đông y vẫn là làm cho thận tinh mạnh bằng cách để chính cơ thể chúng ta tổng hợp nên. Hiện nay, dùng thảo dược có tác dụng giúp cơ thể tự sản sinh testosterrone nội sinh là phương pháp tuy chậm, không có kết quả ngay nhưng lại không gây tai biến", ông Thìn nói.
Góp ý cùng các đồng nghiệp, Lão y - Giáo sư Trần Văn Kỳ. nguyên Phó Viện trưởng Y Dược học dân tộc TP HCM cho rằng, việc giữ gìn thận tinh là cần thiết, song nói như thế không có nghĩa là đàn ông yếu thì không còn tình yêu với vợ hoặc chồng yếu thì không được vợ yêu.
"Chữ 'tinh' ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không nên co cụm ở góc độ sinh lý tình dục. Cuộc sống muốn hạnh phúc thì cần phải hài hòa mọi thứ, trong đó có cả tinh thần. Bởi không có tinh thân thì không thể làm được gì hết", ông Kỳ nói.
|
![]() |
Lão y Trần Văn Kỳ nhận kỷ niệm chương Hải Thượng Lãn Ông từ đại diện Bộ Y tế. Ảnh: Thiên Chương.
Sáng 21/4, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Y dược cổ truyền Bộ Y tế trao kỷ niệm chương "Hải Thượng Lãn Ông" vì sự nghiệp Đông y cho Lão y - Giáo sư Trần Văn Kỳ. Năm nay 83 tuổi, chức vụ trước khi về hưu của ông Kỳ là Phó Viện trưởng Y Dược học dân tộc TPHCM.
Giáo sư Trần Văn Kỳ là người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp kế thừa và phát triển nền Đông y Việt Nam. Từ năm 1948, ông Kỳ đã bắt đầu tham gia chữa trị cứu những nạn nhân của chiến tranh tại Quảng Trị. Ông tham gia quân đội rồi được đưa đi Trung Quốc học Đông y giai đoạn 1953-1962. Tốt nghiệp Đông y khoa Nhi, ông trở về nước chữa trị bệnh, quản lý, giảng dạy và viết sách trong ngành y học cổ truyền từ đó đến nay.
Thiên Chương
SG003827