Tôi đã đắn đo và cân nhắc bởi vì không phải cứ đi vay nợ là xấu, ngược lại không hẳn cứ tiết kiệm được thật nhiều đã là tốt.
Việc dẫn chứng với các số liệu nghiên cứu khách quan là điều nên làm trong việc minh họa cho người học nhằm tăng tính thuyết phục. Tôi hoàn toàn đồng ý với cách làm đó, nhưng cái còn cân nhắc ở đây là làm sao để đưa ra thông tin số liệu một cách phù hợp, kèm theo diễn giải đầy đủ để không gây ngộ nhận cho người đọc cũng như người nghe rằng hành vi tiết kiệm của người Việt Nam đang được đánh giá là tốt nhất thế giới.
Trong quá trình làm việc với học sinh, sinh viên về giáo dục tài chính, dự án của chúng tôi cũng có những nghiên cứu khảo sát về vấn đề thực trạng quản lý tiền bạc cá nhân của các em trước và sau khi học. Qua khảo sát với 300 học sinh ở Hải Phòng và 120 sinh viên ở Cần Thơ năm 2014, số liệu cho thấy, các em có tiết kiệm với tỷ lệ rất cao, lên đến 93,2% ở học sinh THPT và 98,4% ở sinh viên đại học, cao đẳng. Với số liệu này, chúng tôi cũng chỉ ghi nhận đó là một nền tảng tốt chứ không xem đó là một số liệu tuyệt đẹp có thể phản ánh được thực trạng kỹ năng tiết kiệm của thanh thiếu niên hiện nay.
Để đánh giá đúng được thực trạng quản lý tiền bạc của các em, chúng tôi khảo sát thêm những câu hỏi khác như: “Bạn có tiết kiệm trong 3 tháng gần nhất không? Tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập? Tiết kiệm bằng hình thức nào? Và dùng tiền tiết kiệm để làm gì?”. Từ kết quả nhận được, chúng tôi nhận ra một sự khác biệt đáng lưu ý giữa việc một em sinh viên nào đó có thể trả lời: “Có” với câu hỏi “Bạn có tiết kiệm tiền không?” Và ngay ở câu sau, “tiết kiệm như thế nào?” đã trả lời rằng, tiết kiệm được từ tiền dư sau khi đi mua sắm, hoặc lần cuối cùng tiết kiệm là cách đây 2 năm, hay chỉ tiết kiệm khi có tiền dư.
Vậy cái mà chúng ta cần quan tâm không phải là số liệu về việc “Có tiết kiệm không?”, mà phải là việc “Cách tiết kiệm có hiệu quả không?”. Ví dụ, chúng ta thường chỉ kiểm tra xem con em mình có đi học đầy đủ không, mà ít khi quan tâm đến việc con học bằng phương pháp nào, tích lũy được kiến thức kỹ năng gì? Quan trọng hơn nữa là học xong những cái đó thì áp dụng ra sao vào thực tiễn cuộc sống?
Với bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, giá cả hàng hóa tăng và tình trạng lạm phát dẫn đến xu hướng người dân cần cắt giảm chi tiêu và gia tăng khoản tích trữ tiền nhàn rỗi nhiều hơn là điều tất yếu. Trong khi người dân ở các nước phát triển thì được nhà nước khuyến khích sử dụng tiền tiết kiệm nhàn rỗi để đầu tư, giao dịch trong bối cảnh suy thoái để vực dậy nền kinh tế, thì phần lớn lại lựa chọn một phương án khá an toàn là tiết kiệm tại nhà hoặc tại ngân hàng và chấp nhận lãi suất thấp, để tránh đương đầu với rủi ro có thể có khi đầu tư. Việc tiết kiệm trong bối cảnh như vậy có thể dẫn đến tình trạng đóng băng một nền kinh tế.
Tôi nghĩ người tiết kiệm được nhiều tiền nhất chưa hẳn đã là người có thể quản lý tốt được tài chính của mình một cách hiệu quả nhất. Thực tế, vẫn có người dành cả đời đi buôn gánh bán bưng, họ thậm chí không dám chi tiêu một đồng nào cho bản thân, không dám sửa lại mái nhà, không dám đầu tư vào việc học cho con cháu, và cũng không dám đi khám bệnh mà chỉ cắn răng chịu đựng để tiết kiệm tiền. Khi họ mất đi, dù có để lại một số tiền tiết kiệm khá lớn cho con cháu, thì tôi vẫn nghĩ là họ chưa dùng số tiền tiết kiệm đó một cách thật sự hiệu quả. Tiết kiệm quá mức bằng cách chắt chiu, không dám dùng vào việc gì, cắt giảm các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì nên gọi hà tiện. Hà tiện không những không tiết kiệm, mà lại còn gây lãng phí trong một số trường hợp như ảnh hưởng đến sức khỏe, rủi ro trong an toàn lao động, đánh mất cơ hội phát triển cho bản thân và các mối quan hệ...
“Tiết kiệm” - bản chất của nó đã là một hành vi tích cực và chủ động, nhưng cần được cụ thể và thiết thực nhằm đảm bảo các nhu cầu cần thiết để sống, tồn tại và phát triển. Về vấn đề quản lý tiền bạc cá nhân, việc tiết kiệm nên được lên kế hoạch thực hiện, đặt ra mục tiêu số tiền cần đạt được và cân nhắc tính phù hợp với điều kiện kinh tế chi tiêu của bạn; mục đích sẽ dùng số tiền tiết kiệm đó vào việc gì, có phù hợp với sở thích nguyện vọng và hoàn cảnh của bạn hay không.
Thay vì được đánh giá là người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới, tôi sẽ thật sự thấy vui và tự hào nếu người Việt Nam có các thứ hạng cao trên thế giới trong lĩnh vực tiết kiệm tiền một cách hiệu quả.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên