Tuổi học trò qua đi giống như một giấc mộng đẹp. Giấc mộng có những giọt nước mắt lưu luyến của ngày chia tay, có những nụ cười trêu đùa bè bạn. Khi chia tay mái trường, thầy cô, trong lòng học trò thật trống rỗng.
Thời gian không bao giờ cho ta cơ hội quay lại tuổi học trò một lần nữa để được nghe thầy giảng bài, để ngộ nghĩnh với những trò quỷ và quay lại cảm giác một chút bối rối khi bạn nhìn ta nhưng cũng để lại trong lòng ta những kỷ niệm dịu êm. Những nụ cười và những giọt nước mắt đi vào lòng ta thật êm ái.
Có những lúc cảm thấy mệt mỏi giữa cuộc sống náo nhiệt ta lại khát khao mình đừng bao giờ lớn để mãi được ở bên thầy cô và bè bạn. Ký ức chợt hiện về trong vô thức. Nghĩ đến buổi học ngày hôm ấy tôi lại phì cười, lại nhớ đến tập thể lớp 12A1 thân thương.
Lớp 12A1 chuyên Toán, đứa con cưng và cũng là bất trị của trường THPT Lạng Giang III năm ấy. Có thể vì là lớp chuyên Toán nên chúng tôi có vẻ lơ là và coi thường các môn xã hội. Tôi còn nhớ có một lần cô giáo ra một đề văn bình luận câu nói của Tuân Tử đại ý là rượu nặng màu trắng có thể khiến người ta đỏ mặt và làm đen danh dự.
Tư duy của một lớp chuyên Toán luôn sát thực và logic không giống ban C lúc nào cũng mơ mộng để tâm hồn treo ngược trên cành cây. Chính bởi vì lẽ đó mà chúng tôi sáng tác ra những bài văn để đời. Giờ trả văn nào cả lớp cũng được phen cười vỡ bụng, cười ra nước mắt mà đại biểu kiệt xuất ấy là Tài - biệt danh Tài Cầu.
Lần ấy hắn bình luận về câu nói của Tuân Tử khiến cô giáo phải liệt vào những trang văn bất hủ của nhân loại. Thay vì một bài bình luận hắn biến thành một bài PR cho rượu “Rượu là một thứ làm từ gạo. Đã là gạo thì có thể ăn thay cơm” hay “Rượu khiến đàn bà không cần đánh phấn cũng làm đàn ông chết như ngả rạ”, “Rượu khiến đàn ông phong độ và trở nên men hơn”…
Kết quả bài văn ấy được cô khuyến khích cho hai điểm.
Còn giờ Sử chẳng khác nào bắt chúng tôi phải vào chùa niệm kinh. Cả lớp ngồi im, cặm cụi chăm chú viết lách nhưng thực chất đang làm việc riêng. Đứa thì mở Hóa, đứa thì mở Anh, mở Toán ra làm còn tôi ngồi vẽ linh tinh, vẽ hươu vẽ vượn cho hết tiết học.
Thế nhưng lạ một điều khi thầy giáo kiểm tra bài cũ đứa nào cũng thuộc, lại còn trả lời trôi chảy câu hỏi bên lề nâng cao nữa chứ. Có lẽ vì lớp chúng tôi thông minh.
Một lần, tôi bị lên bảng kiểm tra môn Sử. Thầy yêu cầu tôi mang vở lên, chép lại bài trong vở lên bảng. Con đười ươi mà tôi vẽ đang đối diện với thầy cười nhăn cười nhở.
Có lẽ hiện giờ tôi cũng giống nó đang dở khóc dở cười. Thầy đưa vở cho tôi về chỗ còn cố tình nhắc nhở thêm “Tiết này, em vẽ thêm một con sư tử nữa nhé”.
Kỷ niệm đôi khi chỉ là một khoảnh khắc nhưng cũng để lại ấn tượng khó phai trong trái tim mỗi người. Khoảnh khắc ấy thật tuyệt, lóe sáng như một tia chớp nhưng không hề tàn lụi. Ai cũng có một thời tuổi thơ đáng nhớ, một thời cắp sách đến trường và cũng có những kỷ niệm không thể nào quên.
12A1 năm ấy giờ đã trưởng thành song khi có điều kiện tụ tập, chúng tôi lại ôn lại bài văn bất hủ vô đối của Tài Cầu và những kỷ niệm về mấy giờ học Sử. Và mỗi lần nghĩ đến nó tôi lại khát khao mong thời gian hãy quay trở lại...
Chu Mai
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |