Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh vừa có cuộc trao đổi với VnExpress sau vụ tiếp viên của Vietnam Airlines bị tạm giữ tại Nhật với cáo buộc vận chuyển hàng ăn cắp.
- Tiếp viên Vietnam Airlines vừa bị cảnh sát Nhật bắt giữ và cáo buộc vận chuyển hàng ăn cắp. Với tư cách là cơ quan quản lý ngành, ông nhận định như thế nào về vụ việc này?
- Nếu cáo buộc của cảnh sát Nhật là đúng, sự việc chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn, bởi không những là vận chuyển hàng lậu mà còn là đồ ăn cắp. Sự việc xảy ra ở nước ngoài, ảnh hưởng cả đến con người Việt Nam và uy tín của hãng hàng không. Trong ngành này, uy tín đi kèm với kinh tế.
Việc xách hàng nếu diễn ra thường xuyên, thành đường dây, cũng uy hiếp an ninh hàng không. Một tổ chức khủng bố thâm nhập được vào đường dây thì sao? Chúng tôi đã lường trước tình huống này từ năm 2008, sau một số vụ việc tương tự và đã yêu cầu hãng hàng không phải tăng cường kiểm soát.
- Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm của Vietnam Airlines và cơ quan quản lý đến đâu, thưa ông?
- Thực chất đây là việc mang tính chất cá nhân. Cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn về phía hãng, luật không quy định xử phạt tổ chức. Tuy nhiên, nó đặt ra vấn đề về uy tín và doanh nghiệp cần có những hành động mạnh mẽ để dẹp bỏ tình trạng này. Quy định hạn chế mang vali vừa qua của Vietnam Airlines cũng là một biện pháp mạnh tay.
Chúng tôi cũng gợi ý hãng biện pháp mạnh mẽ hơn, ví dụ trong một tổ bay có thể giao nhiệm vụ kiểm soát lẫn nhau, cơ trưởng kiểm soát tiếp viên... để ngăn chặn kịp thời mọi hành vi.
Còn về kiểm soát Nhà nước, cuối năm ngoái Bộ Giao thông đã ban hành thông tư về kỷ luật đặc thù với nhân viên hàng không, có hiệu lực đầu năm nay. Đây là bộ quy định rất đặc biệt không ngành nào có. Trường hợp lợi dụng vị trí công việc để vi phạm, sẽ rút giấy phép nhân viên hàng không.
- Ông thấy hiệu quả của những biện pháp này đến đâu?
- Ngày xưa khi các cá nhân vi phạm, họ có thể không bị đuổi việc. Như phi công Đặng Xuân Hợp bị đình bay một năm tưởng là nặng, sau đó lại được làm phi công như thường. Còn hiện nay, những trường hợp tương tự sẽ không có cơ hội tiếp tục làm nghề nữa.
Những biện pháp mạnh thời gian qua đã có hiệu quả thông qua số lượng sự vụ ngày càng ít. Trước đây, các vụ xách hàng xảy ra liên tục, hải quan nhiều lần phát hiện tiếp viên chuyển tiền, điện thoại... Còn bây giờ, khá lâu mới có một sự cố.
- Ở góc độ con người,đâu là nguyên nhân khiến tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển hàng lậu?
- Rất khó đưa ra câu trả lời cho vấn đề này vì mỗi người có một lý do khác nhau. Có người nói vì thu nhập, nhưng nhiều người thu nhập cao mà họ vẫn làm điều xấu. Còn lương thưởng của đội ngũ phi công tiếp viên không phải là thấp, thậm chí có thể gọi là cao so với mặt bằng xã hội.
Thông tư Hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật đặc thù với nhân viên hàng không của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 1/2/2014: Điều 6. Quy định về sử dụng nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù: Không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp sau: 1. Cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng 2. Bị kết án trong các vụ án hình sự 3. Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân 4. Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa 5. Sử dụng hoặc có kết quả dương tính với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định |
Thanh Bình