Cuối tháng 3, nữ tiếp viên 43 tuổi của hãng hàng không El Al, Rotem Amitai được đưa vào Trung tâm Y tế Kfar Saba cấp cứu trong tình trạng sốt cao sau chuyến bay từ Mỹ về Israel. Vài ngày sau, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được xác định bị bệnh sởi dẫn đến viêm não, phải thở bằng máy. Nhà chức trách cho rằng nữ tiếp viên chưa lây sởi cho bất kỳ hành khách nào, cũng chưa tìm ra nguồn lây bệnh cho cô.
Bà mẹ ba con có triệu chứng sởi sau chuyến bay cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Trước đó Rotem Amitai chỉ mới tiêm một trong hai mũi vắcxin sởi để phòng ngừa bệnh. Sau khi Rotem phát bệnh, hãng El Al đã yêu cầu các tiếp viên của mình tiêm vắcxin đầy đủ.
"El Al đau buồn trước cái chết của một thành viên trong phi hành đoàn. Chúng tôi đã thực hiện các công việc cần thiết để phi hành đoàn tiêm chủng", hãng hàng không Israel thông báo. Amitai là người thứ ba ở Israel chết vì bệnh sởi, kể từ tháng 11 năm ngoái.

Rotem Amitai khi còn khỏe mạnh.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, các triệu chứng sởi bộc phát trong 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Bệnh lây nhiễm qua hô hấp hoặc dính dịch tiếp từ người bệnh. Sởi có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là viêm phổi. Cứ 20 trẻ mắc sởi thì có một bé bị viêm phổi. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân sởi.
Viêm não ít gặp hơn nhưng cũng là biến chứng sởi đáng chú ý. Tỷ lệ viêm não là một trên 1.000 trẻ bị sởi. Các nghiên cứu cho thấy mũi vắcxin sởi đầu tiên có khả năng bảo vệ hơn 90%, tiêm đủ hai mũi, hiệu quả phòng bệnh lên tới 97%.
Vũ Trịnh (Theo CBS News)