Đánh giá kết quả kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 12, các ủy viên Thường vụ Quốc hội tập trung vào 3 việc: kết quả xử lý trách nhiệm các cá nhân trong vụ Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), chỉ giá tiêu dùng tăng cao và không thông qua dự luật thủ đô.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn, Chính phủ dẫn kết luận của Bộ Chính trị khẳng định không kỷ luật cá nhân nào trong vụ Vinashin, trong khi đó các cơ quan đang điều tra.
Cho rằng sự chuẩn bị cho phần giải trình trước Quốc hội của Chính phủ có phần "chủ quan", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm điều hành của Chính phủ cũng như các bộ trưởng có liên quan trong vụ Vinashin.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình dẫn ra thắc mắc của cử tri rằng vụ việc lớn như cháy rừng ở Cà Mau, vụ Lã Thị Kim Oanh hay PMU18, các cá nhân liên quan đều bị kỷ luật, nhưng với vụ Vinashin lớn hơn rất nhiều lại chưa thấy xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước.
![]() |
Con tàu từng là biểu tượng của Vinashin. Ảnh: vinashine.com.vn. |
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận đúng là nhiều cử tri chưa thấy thuyết phục trong vụ Vinashin. Theo Tổng bí thư, trong vụ Vinashin, Bộ Chính trị kết luận 4 vấn đề lớn. Một là tái cơ cấu tập đoàn này. Hai là tập trung thanh tra, điều tra xử lý. Ba là Ủy ban Kiểm tra trung ương chủ trì kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Bốn là tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
"Hiện Ủy ban kiểm tra trung ương mới chủ trì kiểm điểm, những vấn đề còn lại đang làm tiếp", ông Trọng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, sẽ công bố kết quả thanh tra Vinashin và sớm xét xử các cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn nào công bố thì chưa được đề cập.
Cũng trong sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ mối lo ngại của cử tri về việc chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng. "Tháng 4 chỉ số giá tiêu dùng thường tăng thấp nhất trong năm, nhưng tháng tư năm nay đã tăng 3,2%. Cử tri lo lắng đồng tiền Việt Nam mất giá, giá xăng, điện tăng khiến lạm phát quay trở lại", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng phản ánh giá cả tăng cao khiến đời sống của người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp rất bấp bênh. "Đúng là có có những khó khăn khách quan, nhưng theo tôi có trách nhiệm trong điều hành của Chính phủ khi tăng giá xăng, điện", bà Ba nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết qua tiếp xúc sau kỳ họp, cử tri rất quan tâm tới hai vấn đề, đó là lạm phát và tình hình tham nhũng, hiệu quả đầu tư công thấp.
Dù không phải là buổi chất vấn, nhưng là thành viên Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng giải thích các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc bị lạm phát, đã tác động đến Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm là 9,34%, tháng 5 tới chưa hy vọng giảm nhiều.
"Nhưng với các chính sách như cắt giảm đầu tư công, siết chặt quản lý tiền tệ..., từ tháng 6 tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ giảm dần", ông Phúc nói và cho rằng lạm phát cũng là nguy cơ, nhưng cũng là thời cơ để tái cơ cấu nền kinh tế.
Phân tích các nguyên nhân khiến dự luật thủ đô không được thông qua, các ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng không thể trách cơ quan soạn thảo thiếu sự chuẩn bị cần thiết, mà nguyên nhân sâu xa là dự luật dành quá nhiều ưu tiên cho thủ đô, gây bức xúc cho đại biểu. "Tôi e rằng chuẩn bị mấy tháng nữa thì dự luật này chưa chắc đã được thông qua", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói. Nhiều đại biểu cho rằng không nên quá nặng nề việc không thông qua luật. "Trong xã hội ngày càng dân chủ, Quốc hội không thông qua luật này luật khác phải coi là việc bình thường", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình nói. |
Hồng Khánh