Khi nhìn thấy bìa Tạp chí Time với ảnh Mark Zuckerberg bị che miệng bằng thông báo lựa chọn giữa xóa hay không xóa Facebook, tôi nghĩ đến viên thuốc đỏ, xanh trong phim "Ma trận", từ lâu trở thành một biểu tượng văn hóa ở phương Tây.
Sống trong một thế giới mà máy móc thao túng con người, bơm vào đầu ảo tưởng về một cuộc sống đang diễn ra như thật, liệu anh sẽ chọn viên xanh: tiếp tục sống hạnh phúc trong ảo tưởng đó, hay viên đỏ: tỉnh dậy sống với một thế giới thực đã sụp đổ để chiến đấu chống lại máy móc. Neo - người được chọn trong phim - đã uống viên đỏ.
Facebook cũng cho tôi một thế giới gần như ma trận. Mùi vị của một bữa ăn đôi khi không quan trọng bằng thưởng thức những comment về ảnh món ăn mà tôi đăng lên "tường". Tận hưởng một chuyến du lịch không quan trọng bằng những trầm trồ xuýt xoa của bạn bè dưới những bức ảnh của chuyến đi.
Tôi sẵn sàng đánh đổi cuộc đời thực để chìm đắm trong cuộc đời ảo kia chăng?
Năm 2020, bộ phim tài liệu mang tên The Social Dilemma về cách mà Google hay Facebook thao túng con người phát hành. Tất nhiên, chẳng phải đến bộ phim này tôi mới biết rằng mình đang bị thao túng. Từ việc phân tích tất cả thông tin về nhân thân, thói quen, sở thích mà các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm thu thập được của mỗi cá nhân, thứ dữ liệu quý như vàng về thói quen tiêu dùng này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho việc quảng cáo các sản phẩm hàng hóa đến đúng người, đúng thời điểm nhất.
Người tiêu dùng đôi khi mua một sản phẩm không phải vì đang cần nó mà chính tần suất xuất hiện của nó đã bơm vào đầu anh suy nghĩ rằng: anh cần mua nó. Thế nên, các doanh nghiệp sẵn sàng chi không tiếc để sử dụng thứ dữ liệu này. Facebook vì thế sẽ càng ngày càng giàu lên mà không có điểm dừng. Và quan trọng nhất, nó nhắn nhủ rằng: anh đừng nghĩ đến chuyện thoát khỏi sự thao túng của một hệ thống tinh vi như thế. Anh tưởng mình hiểu, nhưng sẽ không bao giờ thoát khỏi thao túng ấy.
Về mặt cá nhân, đôi khi tôi còn sử dụng chính thao túng đó cho mục đích của mình: muốn mua một thứ gì đó, đơn giản thôi, hãy tìm kiếm nó trên Google hoặc Facebook chỉ một lần, sau đó thứ mình muốn sẽ tự tìm đến. Có nghĩa tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả dữ liệu cá nhân cho đến thói quen tiêu dùng của bản thân để được phục vụ tốt nhất.
Khi đọc những nhận định cho rằng, thời của Facebook đã đến lúc kết thúc bởi những cáo buộc về việc thu thập trái phép thông tin, thao túng người dùng, lan truyền thông tin sai lệch, một người bạn hỏi tôi, về mặt pháp luật, có cách nào ngăn chặn Facebook làm những việc đó hay không?
Ngay sau những tiết lộ gây sốc của Frances Haugen - cựu quản lý Facebook, gần 50 tổ chức phi lợi nhuận đã yêu cầu ngăn chặn mô hình kinh doanh của Facebook. Nhóm này đề nghị Quốc hội Mỹ điều tra công ty của Mark và thông qua luật bảo mật dữ liệu "đủ mạnh để chấm dứt mô hình kinh doanh hiện tại" của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng được yêu cầu tiến tới việc đưa ra quy tắc cấm các công ty thu thập thông tin người dùng ngoài những thứ cần thiết cho dịch vụ, đồng thời phạt nặng các bên sử dụng dữ liệu người dùng cho mục đích khác hoặc bán cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý.
Câu trả lời của tôi cũng là "có", sẽ có những quy định pháp luật như thế. Nhưng đây không chỉ là cuộc chiến pháp lý rằng anh có được làm như vậy với người dùng hay không, mà có lẽ xa hơn, đây là lựa chọn hoàn toàn thuộc về bản chất con người.
Chọn viên xanh hay viên đỏ, anh sẽ tiếp tục tự nguyện chia sẻ mọi thứ, chấp nhận bị thao túng để sống trong một thế giới ảo tươi đẹp hay quay về sống hoàn toàn thực tế dù bớt sinh động hơn.
Bạn sẽ chọn viên thuốc xanh hay đỏ?
Bùi Phú Châu