Công ty cổ phần than Cọc Sáu, thuộc TKV, có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.
Đơn vị nêu lý do nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các dự án tại tỉnh Quảng Ninh đang rất lớn và cấp bách. TKV đã hoàn thành quy hoạch khu vực hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác và chế biến than trên địa bàn. Tập đoàn cũng đã lập, phê duyệt phương án thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ Cọc Sáu làm vật liệu san lấp ở TP Cẩm Phả - Vân Đồn.

Đất đá thải than được đề xuất làm vật liệu san lấp. Ảnh: Minh Cương
Tương tự, Công ty cổ phần Thiên Nam cũng đề nghị được tận dụng đất đá thải tại mỏ Mông Dương - đã đóng cửa tháng 9/2022, để sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san nền với bốn dây chuyền, mỗi dây chuyền công suất 600 tấn một giờ.
Lãnh đạo Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết chủ trương của Chính phủ là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn Quảng Ninh sử dụng đất đá trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.
Bộ đã soạn thảo Nghị định sửa đổi các quy định cũ và trình Chính phủ, dự kiến thông qua tháng này, làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. "Tuy nhiên, việc sử dụng đất đá thải này phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, không để lợi dụng khai thác khoáng sản trái phép tuồn ra ngoài", đại diện Cục Khoáng sản nói.
Trước đó năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cơ quan trung ương cho phép khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Lý do hàng năm loạt mỏ than đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất ở TP Hạ Long, Cẩm Phả, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường.
Tỉnh cho rằng quá trình khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ làm thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường của các dự án khai thác than đã được phê duyệt. Do đó, cơ quan quản lý cần có cơ chế tạo điều kiện cho ngành than trong việc phê duyệt điều chỉnh các báo cáo liên quan nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng.
Ngoài ra, đất đá tại các bãi thải của mỏ than đang hoạt động là khoáng sản đi kèm, để sử dụng san lấp mặt bằng các dự án thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp phép. Để rút ngắn quy trình, Quảng Ninh đề nghị Bộ ủy quyền cho tỉnh cấp phép.