Phiên đấu thầu sẽ được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày mai (21/5) với quy mô chào thầu tương tự các lần trước, 16.800 lượng vàng.
Giá tham chiếu để các đơn vị đặt cọc là 88,6 triệu đồng một lượng. Mức này thấp hơn 400.000 đồng so với giá SJC mua vào từ người dân và kém 2,4 triệu đồng nếu so với giá bán ra thị trường vào chiều nay.
Giá sàn để các đơn vị bỏ thầu sẽ được cơ quan quản lý công bố vào sáng mai, ngay trước phiên thầu.
Hôm nay, giá vàng miếng trong nước đi lên cùng chiều với thế giới. Kim loại trên thị trường quốc tế hôm nay lập đỉnh 2.440 USD mỗi ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, tương đương 74,9 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng nhẫn trơn tại SJC cũng đang ở vùng giá trên 77,45 triệu đồng một lượng. Các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, DOJI hôm nay cũng neo giá loại này quanh 77,6 triệu đồng mỗi lượng.
Từ 22/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng, trong đó có 3 phiên bị hủy và 4 phiên thành công.
Sau các phiên đấu thầu "ế ẩm", cơ quan này đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này theo nhà điều hành giúp các phiên gần đây tăng số thành viên tham gia và quy mô vàng cung ra thị trường.
Trong phiên gần nhất vào 16/5, 11 ngân hàng và doanh nghiệp trúng thầu 12.300 lượng. Tổng cộng gần một tháng qua, hơn 27.000 lượng vàng miếng SJC được nhà điều hành tung ra thị trường.
Về lý thuyết, việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, việc độc quyền vàng miếng cần được xóa bỏ.
Quỳnh Trang