Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, số vàng miếng gọi thầu là 16.800 lượng. Doanh nghiệp được phép đặt thầu tối thiểu 500 và tối đa là 4.000 lượng.
Giá tham chiếu để doanh nghiệp đặt cọc là 87,5 triệu đồng một lượng, giảm 500.000 đồng so với hôm 14/5. Giá này ngang với mức SJC mua vào từ người dân chiều nay và thấp hơn 2,5 triệu đồng so với bán ra.
Giá sàn để doanh nghiệp bỏ thầu sẽ được công bố ngày mai, ngay trước phiên đấu thầu.
Phiên thầu ngày mai là phiên thứ hai được nhà chức trách tổ chức trong tuần này, tăng gấp đôi tần suất so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường.
Hôm 14/5, phiên đấu thầu lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức có sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia, lượng vàng cung ứng ra thị trường. Tám doanh nghiệp mua vào 8.100 lượng vàng miếng với giá 87,7 triệu đồng một lượng. Tổng cộng, qua ba lần đấu thầu thành công, nhà điều hành đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng.
Sau phiên đấu thầu với lượng cung lớn, vàng miếng SJC hiện quanh ngưỡng 90 triệu đồng, giảm trên 2 triệu so với mức "đỉnh" hôm 10/5. Tuy vậy, giá trong nước vẫn chênh so với quốc tế khoảng 17,5 triệu đồng một lượng.
Về lý thuyết, đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung trong dài hạn để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp hạ nhiệt, đưa giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, thị trường đang có những phản ứng "ngược" trong ngắn hạn. Một số phiên đấu thầu đầu tiên được đánh giá không thành công, bị chê giá cao, lượng trúng thầu ít, khiến người dân tin rằng giá còn tăng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết cơ quan này tiếp tục tăng cung vàng thông qua đấu thầu với khối lượng, liều lượng hợp lý. Về lâu dài, cơ quan này sẽ đề xuất sửa Nghị định 24.
Minh Sơn