Cảnh báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra ngày 1/8, nhân Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ Thế giới.
Báo cáo toàn cầu của WHO cho rằng nhiều chiến lược tiếp thị sữa tại Việt Nam thường đưa ra những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Cách tiếp thị này "làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh".
Sữa công thức thường được giới thiệu như một giải pháp thuận tiện và tăng cường hỗ trợ cho các bà mẹ đi làm trở lại sau thời gian thai sản. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nói rằng cách tiếp thị này là "lợi dụng sự thiếu hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ để giới thiệu sữa công thức", cả ở Việt Nam và một số quốc gia.
"Giải pháp thật sự là chấm dứt vĩnh viễn các chiến thuật tiếp thị gây hiểu lầm và ảnh hưởng của ngành công nghiệp này", bà Angela nói, thêm rằng cơ quan, nhân viên y tế và cộng đồng cần hỗ trợ phụ nữ, bao gồm bà mẹ đang đi làm, những người mong muốn và có thể cho con bú.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết nuôi con bằng sữa mẹ sẽ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ phát triển trí não và ngăn ngừa bệnh mạn tính. Tất cả lợi ích này giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Những năm qua, nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp chống lại việc tiếp thị không phù hợp sản phẩm thay thế sữa mẹ. WHO và UNICEF kêu gọi Việt Nam chỉnh sửa và hoàn thiện Luật quảng cáo vào năm 2024 để hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Hỗ trợ bà mẹ đang đi làm bằng cách đảm bảo đủ thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương, đầu tư vào các chính sách và chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách can thiệp hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng từ 19% năm 2010 lên 45% năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến hai tuổi còn thấp, chỉ 26%. Nhiều trẻ được cho uống sữa công thức thay vì bú sữa mẹ.
Lê Nga