Lần giở những kỷ vật ít ỏi của gần 40 năm làm lính Lục quân và Quân chủng Phòng không - Không quân, đại tá Phan Tương (94 tuổi, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất) nói rằng, những ngày đầu tiếp quản, cùng hàng trăm người từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn, khôi phục Tân Sơn Nhất là đáng nhớ nhất đời ông.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng thành lập Bộ tư lệnh tiếp quản - cấp binh chủng, với Tư lệnh Đào Đình Luyện, Chủ nhiệm chính trị Hồ Luật, Tham mưu trưởng Phan Tương. Nhiệm vụ là tiếp quản các căn cứ không quân, sân bay sau khi các quân đoàn, sư đoàn chủ lực đánh chiếm. Họ chia làm hai đoàn. Một theo đường biển cùng Hải quân tiếp quản sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất; đoàn còn lại theo đường bộ tiếp quản sân bay Phú Bài, Đà Nẵng.
Ngày 1/5/1975, ông Phan Tương đến Biên Hoà, gặp tướng Lê Trọng Tấn (bí danh Ba Long), được lệnh vào ngay Sài Gòn tổ chức quản lý và phục hồi hoạt động Tân Sơn Nhất. Tờ mờ sáng hôm sau, Ban quân quản theo xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà, thẳng hướng về Tân Sơn Nhất. Trước kính ôtô là rừng người ngược chiều. Họ đi bộ, xe máy, xe đạp, xích lô, lũ lượt rút khỏi Sài Gòn. Hai bên đường, các gò đồi, nương rẫy, bãi đất trống phủ đầy tăng, lều bạt và những tấm nylon vải Mỹ đủ màu.
Tại sân bay, cơ sở vật chất tương đối nguyên vẹn, từ đường băng, đài chỉ huy 11 tầng, kho xăng dầu, xưởng sửa chữa máy bay, đồn canh gác... nhưng không bóng người. Ban quân quản khi đó có hơn 30 người, ít rành chuyên môn hàng không, lại không biết tiếng Anh để vận hành một sân bay lớn và hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Sau vài giờ bàn bạc, Ban quân quản quyết định kêu gọi những cán bộ, công nhân phục vụ sân bay của chính quyền Sài Gòn trở lại làm việc.
10h ngày 2/5, ông Phan Tương đến Đài phát thanh Sài Gòn, nói trên radio: "Hỡi anh chị em đã làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu mọi người muốn trở lại làm, chúng tôi mời đến ghi danh tại nhà ga quốc nội". Xong, ông vội vã quay về sân bay với ngổn ngang công việc.
Bốn tiếng sau, bàn đăng ký có hơn trăm người ngồi chờ. Họ vốn là phi công, kỹ sư, nhân viên hành chính, công nhân... được Ban quân quản tổ chức lại theo các nhóm công việc. Ông Tương nói: "Sân bay Tân Sơn Nhất giờ đã có chủ, đó là anh chị em và chúng tôi. Chúng ta hãy bắt tay ngay vào làm việc, sửa chữa đường băng, khôi phục mạng điện thoại nội bộ, an ninh, để ngày mai có thể đón các chuyến bay đáp xuống. Tiền lương mọi người được tính từ bây giờ".
Như cỗ máy ngưng ít ngày được khởi động lại, "dây chuyền" ở sân bay diễn ra trơn tru, đến tối mọi việc chuẩn bị hoàn tất. Ông Tương hồ hởi báo về Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân: "Ngày mai có thể tiếp nhận các loại máy bay vận tải từ Bắc vào". Những tuần sau đó, Tân Sơn Nhất tiếp nhận 1-2 chuyến bay mỗi ngày, chở cán bộ, phương tiện kỹ thuật từ Bắc vào Nam.
Một lớp tiếng Anh do những người ở Sài Gòn làm thầy, dạy cho cán bộ miền Bắc vốn chỉ biết tiếng Nga, để họ có thể nắm được cách vận hành sân bay. Những phi công cũ cũng trở thành huấn luyện viên giúp đồng nghiệp phía Bắc quen với các loại máy bay Mỹ.
Trong nửa năm đầu, lực lượng sân bay đã khôi phục được nhiều máy bay vận tải dân dụng đưa vào hoạt động. Đường bay Sài Gòn - Hà Nội, Sài Gòn đi các địa phương ở miền Nam hoạt động dày hơn với tần suất 5-6 lượt mỗi chuyến trong ngày. Từ tháng 6 đến tháng 12, Trung đoàn 919 Phòng không - Không quân còn tổ chức những chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn để đưa cán bộ, người dân hai miền có nhu cần thăm viếng, sum họp.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng tấp nập hơn. Cán bộ, nhân viên của chính quyền cũ ở lại làm việc cho Hàng không Việt Nam lên đến 300 người. "Những năm đầu tiên sau thống nhất là giai đoạn khó khăn nhất của sân bay. Nếu không có họ cùng làm, chúng tôi khó vực sân bay dậy nhanh đến thế", ông Tương cho biết.
Đến năm 1978, bài toán khó đặt ra cho Giám đốc Phan Tương khi làn sóng người Sài Gòn ra nước ngoài ngày càng lớn. Bên cạnh đó, tin đồn về việc những người ở lại phải "học tập cải tạo" khiến cán bộ, nhân viên của chính quyền cũ hoang mang. Ông Tương nhận được rất nhiều câu hỏi của họ như "con tôi có được học hành không? Lương có đủ nuôi cha mẹ già không? Tôi có bị tẩy não không?".
Sau nhiều đêm thức trắng vì không có lời giải đáp thoả đáng, ông chọn ngày vãn chuyến bay, tập hợp mọi người tại nhà ga quốc tế nói chuyện. Một số người nói muốn được ra nước ngoài sum họp gia đình. Tuy nhiên, lúc này không thể đi bằng con đường có hộ chiếu, visa bởi những nước họ muốn đến Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao. Chỉ còn cách là đi theo đường Tổ chức tị nạn quốc tế (HCR), nhưng hồ sơ phải có quyết định nghỉ việc.
"Tôi sẵn sàng ký quyết định cho anh chị em hoàn thành hồ sơ, nhưng chắc gì tuần sau, tháng sau hoặc năm sau đã được đi? Trong thời gian chờ đợi, mọi người lấy gì sống?", ông Tương hỏi, rồi tự trả lời: "Tôi sẽ cắt danh sách những người muốn đi khỏi biên chế, chuyển sang hợp đồng thời vụ, được hưởng nguyên lương để anh chị hoàn thiện hồ sơ. Anh chị em cứ làm việc, khi nào được đi, tôi mới cắt lương".
Tuy nhiên, những ngày sau đó, số người nộp đơn xin đi rất ít. Trong số những người ở lại, có rất nhiều người gắn bó với sân bay hơn chục năm.
Nhìn về ngày 30/4 sau 45 năm, đại tá Phan Tương cho rằng, điều giá trị nhất của ngày này là hoà bình và thống nhất. Đến bây giờ, dù không nhớ tên hay khuôn mặt từng người, song ông luôn tin tưởng và yêu mến những cộng sự ấy. "Chúng tôi có những xuất phát điểm riêng, người Bắc người Nam, nhưng luôn hướng tới mục tiêu chung là xây dựng hàng không phía Nam ngang tầm với quốc tế", ông nói.