Trong đó có những phiếu chi tiếp khách ở 3 - 4 tỉnh trong một ngày; có bữa cơm trưa khi đi công tác Sóc Trăng tới 26,5 triệu đồng - tức là có thể bằng tiền ăn của một hộ gia đình Gia Lai trong cả năm ròng. GDP bình quân đầu người của tỉnh này chỉ khoảng 17 triệu đồng/năm.
Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên. Nhưng có người thì... thản nhiên. Nguyên chánh văn phòng ủy ban tỉnh sáng qua nói với đồng nghiệp của tôi rằng: Chuyện ấy (tiếp khách 3,2 tỷ đồng) có gì đâu mà phải đăng báo?
Ông chánh văn phòng này là người đã trực tiếp duyệt phần lớn phiếu chi trong năm 2015. Ông nói với chúng tôi rằng chuyện ấy cần phải có “cấp có thẩm quyền xem xét đúng hay sai”.
Ăn nhậu bằng mấy chục năm thu nhập của một cán bộ như thế, thanh minh thế nào cũng không thể gọi là đúng. Nhưng với quan điểm của một chánh văn phòng, thì việc ăn hết 3,2 tỷ này cần... hạ hồi phân giải.
Có thể đó là những lời tâm sự thành thật. Bởi vì có thể đó là chuyện quen thuộc trong thế giới của họ.
Ông cựu chánh văn phòng có lý do nói như vậy, bởi nếu so với một công ty như Công ty cổ phần Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí PVC-ME, thì con số ông đã ký duyệt quá nhỏ bé. Chỉ riêng trong năm 2011, số liệu thể hiện PVC-ME đã chi cho tiếp khách 10 tỷ đồng. Riêng lái xe của giám đốc Trịnh Văn Thảo, trong một năm thanh toán tiền tiếp khách lên đến 1,12 tỷ đồng. Tiền ngoại giao của công ty này, với những khoản chi vài trăm triệu đồng nhẹ như lông hồng, đọc tên lên nghe rất quái gở, như mua đồ đánh golf cho sếp, phục vụ sếp. Hoặc, 550 triệu được rút ra để “sinh nhật bố sếp Thanh” - tức là Trịnh Xuân Thanh, tổng giám đốc PVC lúc đó.
Những con số lớn đến mức người ta tự hỏi rằng liệu có thể ăn nhậu hết được từng đó tiền hay không - hay “tiếp khách” trở thành tên gọi chung cho các khoản chi không thể được hợp lý hóa.
“Tiếp khách” đang có nguy cơ trở thành một khái niệm mờ. Hoạt động này cũng đã có văn bản quy định, nhưng quy định lại vô cùng mở khi mà cơ quan có thể tiếp khách căn cứ vào “trường hợp xét thấy cần thiết”. Thế nào là cần thiết thì rất có thể là... tùy thủ trưởng đơn vị, chỉ cần đảm bảo “tiết kiệm, hiệu quả”. Chuỗi các khái niệm định tính này, cộng với nghiệp vụ kế toán, cho phép “tiếp khách” trở thành tấm khiên hợp pháp cho nhiều khoản chi.
Trong khái niệm mờ này, những đoàn khách ngoại tỉnh đến công tác có thể trở thành cơ hội tuyệt vời cho cán bộ địa phương có dịp được ăn nhậu ở những nơi sang trọng mà họ thường không thể bỏ tiền túi.
Trong khái niệm mờ này, thì việc hàng tỷ đồng chi ra chỉ để ăn uống thôi là... kịch bản đẹp nhất. Đằng sau hai chữ “tiếp khách” ma mị mà người ta ghi vào sổ sách, có thể là bất kỳ thứ gì. Kiếm được một tờ hóa đơn ăn uống không khó. Một cơ sở mát-xa kích dục cũng có thể xuất cho bạn một tờ hóa đơn ăn uống.
Đằng sau sự thờ ơ của ông cựu chánh văn phòng tỉnh Gia Lai có thể là một thông điệp, rằng đó không phải là chuyện cá biệt.
Đằng sau sự thờ ơ của ông có thể là một hệ giá trị. Ở trong đó, thì giữa “đúng đắn” và “hợp pháp” là khác nhau. Miễn là anh có hóa đơn, anh làm mọi chuyện hợp pháp, anh tận dụng thành công những vùng mà pháp luật chưa quy định chặt chẽ như là khái niệm “tiếp khách”, thì đúng sai là chuyện hạ hồi phân giải. Kể cả mỗi năm tiếp khách hết 3,2 tỷ đồng.
Có thể thôi. Vì nhiều địa phương khác, cơ quan khác chưa “lộ” số tiền tiếp khách của họ. Tôi tin rằng, Gia Lai không phải là tỉnh cá biệt, ít nhất vì câu trả lời "thật thà" của ông chánh văn phòng: "Chuyện có gì đâu mà phải đăng báo".
Đức Hiển