Từ nhỏ đến khi trải qua kì thi đại học -18 tuổi - với hoàn cảnh và khả năng của mình, tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ du học hay đặt chân đến một vùng đất nào ngoài biên giới Việt Nam. Phải đến khi bước chân vào đại học Xây Dựng, học tập trong chương trình đào tạo kĩ sư chất lượng cao liên kết giữa hai chính phủ Việt- Pháp, những suy nghĩ trong tôi đã thay đổi và ước mơ cũng hình thành dần.
Ngày nhập học cùng chúng bạn, tôi cũng đăng kí vào những chương trình đào tạo chất lượng cao của trường. Với số điểm không quá nổi bật, may mắn, tôi và bạn bè cũng trúng tuyển. Trong những ngày bỡ ngỡ của cậu tân sinh viên, tôi được nghe nhiều lời nói rằng chương trình học mà tôi đăng kí “vừa khó lại không hơn gì những chương trình khác”. Những điều ấy làm đầu óc non nớt lúc ấy của tôi e ngại về điều gì đó cho tương lai- không quá rõ ràng và chín chắn.
Ngày nhận lớp, bạn tôi không đến. Biết cậu ấy đã bỏ, tôi cũng luống cuống rồi đi xin rút đơn tuyển. Nhưng không được nữa, danh sách đã chốt. Đây là sự chớm duyên ban đầu của tôi với nền khoa học Pháp.
Chương trình đào tạo kĩ sư chất lượng cao là sự hợp tác của hai chính phủ Việt Nam và Pháp với 18 ngành kĩ thuật ở 4 trường đại học của Việt Nam. Trong đó đại học Xây Dựng mà tôi đang học có 3 ngành với 75 chỉ tiêu mỗi năm. Chương trình học theo khung đào tạo kĩ sư của các trường ở Pháp bằng tiếng Việt và song song dạy tiếng Pháp.
Là một quốc gia nổi tiếng với nền kĩ thuật phát triển nhất là trong lĩnh vực xây dựng, chương trình đào tạo giáo dục đại học của Pháp thực sự khoa học và tiên tiến. Giáo trình có lối tiếp cận thực tế mỗi vấn đề, với cách diễn đạt và trình bày mang tính phổ quát tập trung làm rõ những kiến thức khả dụng, không “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng sự tiên tiến ấy cũng nhiều khi làm khó cho những tân sinh viên Việt Nam vốn mới có nền tảng kiến thức cơ bản nhất cùng cách tiếp cận phổ thông, chưa hình thành mạch tư duy khoa học.
Nhớ những ngày đầu cầm quyển giáo trình Pháp đã được dịch trên tay, học môn Toán, môn Vật lý “kiểu Pháp” đầu óc chúng tôi thật khó khăn để tiếp thu những kiến thức mới lạ ấy. Cùng với đó là một lối trình bày, tiếp cận chỉnh chu, tỉ mỉ mà chưa từng quên như một người thầy tôi nói”Chi li kiểu Pháp!”. Thực sự cụ thể,thực sự chi li, một cách hơi khó hiểu đến khi nắm bắt được lại thấy kiến thức ấy thật hay và hữu dụng. Giáo trình đại học của Pháp tập trung làm rõ những tri thức khoa học cơ bản ứng dụng trong ngành nghề sau này mà không quá “tham lam”, nhằm trang bị cho sinh viên tri thức và kĩ năng nghề nghiệp hoàn chỉnh.
Một khó khăn nữa là tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ lãng mạn và ngọt ngào nhưng không dễ dàng để cảm nhận được sự lãng mạn và nếm trải điều ngọt ngào ấy. Những ngày đầu làm quen bập bẹ câu chào, lời cảm ơn như trẻ con tập nói thấy ngượng nghịu. Nhưng dần dần học tập phát hiện những điểm thú vị và tương đồng của ngôn ngữ tôi thấy bớt khó khăn để thêm yêu và quyết tâm chinh phục ngôn ngữ này.
Những khó khăn là đó, đổi lại chúng tôi nhận được nhiều thuận lợi. Khung đào tạo thực sự tỉ mỉ, không dễ tiếp thu nhưng chúng tôi hiểu mình đang tiếp cận với một nền khoa học tiến bộ và hiện đại, được học tập dưới sự hướng của nhứng thầy cô giàu kinh nghiệm từng học tập, công tác nhiều năm bên Pháp có phong cách sư phạm quốc tế khoa học.
Quan hệ thầy trò xây dựng tình cảm, thân thiết, cùng hỏi đáp, tranh luận xóa nhòa ranh giới tuổi tác và trình độ mang lại hiệu quả cao. May mắn hơn nữa, tôi được học tập cùng các bạn có trí tuệ và nhân cách thật tuyệt. Họ đều là những học sinh ưu tú của các trường trung học phổ thông, tốp dẫn đầu trong kì thi đại học trên cả nước. Tình bạn, tình đoàn kết vùng miền gắn bó nhau trong học tập, hoạt động tập thể.
Ở đây những ước mơ được khơi nhóm, nung nấu và cùng vun đắp cho nhau. Ai cũng có một lòng quyết tâm đến Pháp để gần hơn với nền khoa học tiên tiến mà chúng tôi đang tiếp cận, nền văn minh và thứ ngôn ngữ bản địa cuốn hút.
Riêng tôi cũng mang cho mình một ước mơ, một mục tiêu phấn đấu. Tôi mong một ngày sẽ đặt chân đến Pháp, học tập ở ngôi trường mà tôi mơ ước: Paris des Ponts. Dù biết đó là một ước mơ rất lớn nhưng có niềm tin và quyết tâm thực hiện thì mơ ước sẽ thành sự thực.
Tôi đang cố gắng học tập để thực hiện điều ấy. Dù có những vấp ngã ,khó khăn, những kết quả không như ý làm tôi xa rời nó một chút nhưng càng có quyết tâm để tiến những bước dài hơn thế.
Ngoài việc học tập để có tri thức khoa học,tôi cũng tham gia câu lạc bộ sinh viên Pháp ngữ của trường để có cơ hội giao lưu với các anh chị, bạn bè cải thiện tiếng Pháp và tìm hiểu thêm về nền văn minh ,văn hóa Pháp. Khoảng cách địa lí Việt-Pháp xác định khoảng gần mười ngàn cây số, một người đi bộ có thể mất mười năm, những chướng ngại thực địa và tinh thần có thể chẳng bao giờ tới đích. Nhưng tôi tin trên con đường tri thức với lòng quyết tâm với bước chân vững chắc thì khoảng cách là không quá xa vời.
Nước Pháp ơi, cả tôi và bạn hãy cho nhau cơ hội để tiến đến!
Đoàn Văn Hùng