Xe
Thứ năm, 23/11/2023, 08:00 (GMT+7)

Triển lãm ôtô Nhật Bản Japan Mobility Show 2023 ngập tràn các mẫu xe thuần điện và concept, hướng đến tương lai giao thông xanh. Nhưng, gây chú ý cho giới truyền thông và công chúng lại đến từ những đánh giá không mấy lạc quan của các hãng về dòng xe này.

Câu chuyện bắt đầu từ gần 3 năm trước.

Nhật Bản những ngày mùa đông cuối 2020, sức nóng của những cuộc đua sản xuất xe điện hay hàng loạt cam kết đưa ra của các tập đoàn lớn, về việc ngưng sản xuất xe động cơ đốt trong, tạo áp lực lên các hãng xe Nhật Bản vốn không cho thấy sự quyết liệt.

Phát biểu của người đứng đầu tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới và kiêm chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Sự hoài nghi của công chúng dành cho Toyota khi ấy lên đến đỉnh điểm. Hơn nửa ngành công nghiệp ôtô đặt cược hoàn toàn vào ván bài xe điện, nhưng Toyota ngược lối, chọn kiên định với con đường họ vạch ra - đa dạng hóa lựa chọn để trung hòa carbon. Và sau gần 3 năm, những gì Toyota đánh giá về xe điện không phải điều viển vông.

"Mọi người cuối cùng cũng nhận ra thực tế", ông Toyoda trả lời, khi được hỏi về những thách thức với xe điện, gồm cả việc nhu cầu giảm tại Mỹ cũng như cuộc chiến giá xe ở Trung Quốc trong khuôn khổ Japan Mobility Show 2023. Ông không còn là CEO, mà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của hãng xe số một Nhật Bản.

Nếu ví xe điện như một tảng băng, những ưu điểm của chúng lộ rõ trên bề mặt nước biển, còn hạn chế lại ngập sâu bên dưới. Toyota từng đánh giá xe điện không phải là lựa chọn duy nhất để đi đến mục tiêu trung hòa carbon. Những trở ngại về hệ thống trạm sạc, chi phí sản xuất còn đắt, hạn chế các lựa chọn xe điện giá phải chăng... đang khiến khách hàng dần quay lưng với xe điện.

Còn các hãng, việc đổ tiền đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy, nghiên cứu sản phẩm nhưng lợi nhuận không mang lại hiệu quả tương xứng, khiến họ "quay đầu" với chiến lược từng được xem là "không đường lùi". Gần một năm qua, những thông tin kiểu này dần xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo.

Những tháng gần đây, Tesla rồi Ford, đưa ra những cảnh báo về việc nhu cầu giảm đột ngột với xe điện, dòng sản phẩm hiện có giá thành đắt hơn ôtô động cơ đốt trong và cần phải được sạc thường xuyên. General Motors (GM) và Honda từng hào hứng công bố mối quan hệ hợp tác hồi tháng 4/2022. Tận dụng những thế mạnh của nhau, cả hai dự kiến tạo ra những mẫu xe thuần điện "giá cả phải chăng", đặc biệt chú trọng dòng crossover nhỏ gọn, dùng công nghệ pin Ultium của GM. Nhưng rồi hai hãng này thông báo ngừng hợp tác hồi tháng 5.

Chính GM cũng đang đau đầu với kế hoạch của riêng mình, khi nhu cầu xe điện sụt giảm. Đầu tháng 10, bà Mary Barra, CEO của tập đoàn GM từ bỏ mục tiêu tự đề ra là sản xuất 400.000 xe điện đến hết nửa đầu 2024.

"Càng tiến sâu hơn vào quá trình chuyển đổi sang xe thuần điện, chúng tôi càng nhận thấy con đường này không dễ như mình tưởng", vị nữ tướng của GM đánh giá.

Với Ford, hãng Mỹ đang cân nhắc cắt giảm ca làm việc tại nhà máy nơi đang sản xuất mẫu bán tải điện F-150 Lightning do nhu cầu giảm. Ford muốn chuyển hướng đầu tư vào các loại xe thương mại và xe hybrid khác có khả năng sinh lời cao hơn. Tesla, kẻ dẫn đầu mảng xe điện trên toàn cầu cũng đánh giá lại dự án nhà máy sản xuất xe điện trị giá 10 tỷ USD ở Mexico công bố hồi tháng 3.

Ngược với những động thái cắt giảm của các hãng đối thủ, Toyota gia tăng sản xuất các dòng hybrid ở Bắc Mỹ. Tháng 9, hãng này chỉ đủ lượng Prius hybrid bán ra trong 1 tuần, kiên định và xem đây là một phần của giải pháp cho tương lai xanh. Toyota đang hưởng trái ngọt từ tầm nhìn này.

Không đặt cược hoàn toàn vào xe điện không có nghĩa Toyota bỏ qua mảng được xem là tương lai của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Kế hoạch tăng mức đầu tư thêm 8 tỷ USD hồi cuối tháng 10, lên 13,9 tỷ USD để tăng tốc điện hóa tất cả các dòng sản phẩm đến 2025, cho thấy nỗ lực của hãng Nhật trong cuộc đua với các đối thủ.

Koji Sato, CEO mới của Toyota nói hãng và thương hiệu con Lexus sẽ bổ sung 10 xe điện mới, bao gồm các mẫu dùng hệ khung gầm mới và các mẫu khác trên các các nền tảng của e-TNGA platform hiện tại, trong vòng 3 năm tới. Ở JMS 2023, vị thuyền trưởng của Toyota giới thiệu hàng loạt mẫu concept thuần điện và mô tả cách tiếp cận đa chiều, đem đến nhiều giải pháp di chuyển cho mọi người, thứ tiếp tục là kim chỉ nam của Toyota những năm tới.

"Chúng tôi đang truyền tải một tương lai di chuyển đầy đa dạng", ông Sato nói. "Trên thế giới tồn tại nhiều nhu cầu cũng như giá trị khác nhau đến từ những con người khác nhau. Tương lai không được quyết định bởi bất cứ ai mà tương lai là thứ mà tất cả chúng ta tạo ra".

Công chúng thưởng lãm tại JMS 2023 bắt gặp IMV 0, mẫu bán tải thuần điện cho phép người dùng tùy biến cấu hình khoang chứa đồ. IMV 0 có thể là một quầy bar, shop bán trái cây hoặc nhà di động để đưa các thành viên gia đình đến những chân trời mới.

Còn với Kayoibako, khách hàng có thể sử dụng xe như một phương tiện vận chuyển các vật dụng cồng kềnh nhờ thiết kế khối hộp, tối ưu không gian bên trong. Hoặc Kayoibako là bạn đồng hành chuyên chở khách, đối tác, phục vụ cả những người khiếm khuyết khi có thể để nâng, hạ xe lăn, đưa họ lên xe một cách tự động...

Định hướng mở cho các giải pháp khác nhau không chỉ ở loại sản phẩm điện hóa, mà còn là nguồn năng lượng cho động cơ trên xe hoạt động. Toyota coi xe điện là một trong số các giải pháp để giảm khí thải carbon, nghĩa là những nguồn năng lượng xanh, bền vững như khí hydro, xăng sinh học, kết hợp xăng-điện (hybrid)... đều được tính đến. Đơn cử hôm 24/10, Toyota và các đối tác triển khai dây chuyền sản xuất khí hydro từ khí sinh học lấy từ trang trại gà ở Thái Lan.

Với hydro, Toyota thậm chí có tham vọng biến xe điện thành cuộc chạy đua lỗi thời.

Ngay tại Việt Nam, triết lý đa dạng hóa các lựa chọn để hướng tới trung hòa carbon cũng cho phép Toyota thực hiện nhiều bước đi hiệu quả. Hãng này đi đầu trong việc cung cấp các mẫu hybrid tại Việt Nam, dải sản phẩm trải dài các phân khúc gồm: Corolla Cross hybrid, Camry hybrid, Corolla Altis hybrid, Yaris Cross hybrid và Innova Cross hybrid. Doanh số xe hybrid tính đến tháng 10 của Toyota đạt 7.347 xe, lớn hơn bất kỳ hãng xe nào khác trên thị trường.

Thử nghiệm xăng sinh học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Toyota cũng tiên phong trong việc tìm kiếm những nguồn nhiên liệu mới. Dự án nghiên cứu xăng sinh học giai đoạn 1 đạt kết quả tích cực với sự tham gia của các chuyên gia ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kết quả của dự án nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy, khi sử dụng xăng RON95, xăng sinh học E5 và E10 trong điều kiện tắc đường, xăng sinh học nói chung giảm phát thải CO2 khoảng 9,2-11% đối với xe hybrid và 5,7-11,6,% đối với xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE). Nếu sử dụng xăng sinh học E5, lượng tiêu hao nhiên liệu có thể giảm thiểu 37,86 lít/năm đối với xe hybrid .

Mục tiêu của Chính phủ là đạt trung hòa carbon vào 2050. Các hãng ôtô đang tích cực triển khai xe điện chạy pin sạc ngoài (BEV), nhưng sự lựa chọn của Toyota không chỉ dừng lại ở đó. Bởi Toyota hướng đến mục tiêu trung hòa carbon thông qua việc giảm thiểu từng bước, từng khâu, đa dạng hóa các giải pháp và theo lộ trình phù hợp với từng thị trường mà không bị phụ thuộc 100% vào xe điện.

Nội dung: Thành Nhạn - Thiết kế: Thái Hưng