Để thống kê danh sách 25 ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới, trang web tài chính InsiderMonkey tham khảo Ethnologue, xuất bản phẩm điện tử thống kê ngôn ngữ và phương ngữ trên thế giới do SIL International, một tổ chức phi lợi nhuận Cơ Đốc giáo có trụ sở tại Mỹ, công bố hàng năm.
Ethnologue là nơi cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về ngôn ngữ trong hơn 15 năm, hơn 88% dân số thế giới nói mọi loại ngôn ngữ đều được đề cập trong Ethnologue 2000. InsiderMonkey đã sắp xếp danh sách 25 ngôn ngữ dựa theo tổng số người nói như tiếng bản ngữ, ngôn ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ thứ hai.
Đứng đầu danh sách là tiếng Anh với 1,348 tỷ người nói, thứ hai là tiếng Hán phổ thông với 1,120 tỷ người nói. Tiếng Hindi và tiếng Tây Ban Nha xếp thứ ba và thứ tư với lần lượt hơn 540 triệu và hơn 600 triệu người nói. Tiếng Arab đứng thứ năm với hơn 270 triệu người nói.
Tiếng Hindi được sử dụng chủ yếu ở miền bắc Ấn Độ, quốc gia có tới 23 ngôn ngữ chính thức, và một số vùng thuộc Pakistan. Tiếng Tây Ban Nha chủ yếu được nói ở Nam và Trung Mỹ, Tây Ban Nha, và một số vùng thuộc Mỹ.
Tiếng Việt xếp thứ 21 với hơn 77 triệu người nói, chủ yếu sinh sống tại Việt Nam. Tiếng Hàn xếp thứ 20, với 88 triệu người nói khắp thế giới. Tiếng Nhật xếp thứ 13, với 126 triệu người nói. Đây là tiếng bản ngữ tại Nhật Bản, cũng là ngôn ngữ chính thức sử dụng ở đảo quốc Tây Thái Bình Dương Palau, cụ thể là bang Angaur.
Tiếng Indonesia xếp thứ 11, là ngôn ngữ chính thức ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Tiếng Nga xếp thứ 8 với 258 triệu người nói ở nhiều quốc gia ngoài Nga như Ba Lan, Cộng hòa Czech. Tiếng Pháp xếp thứ 7 với 267 triệu người nói và là ngôn ngữ chính thức ở 29 quốc gia. 79,6 triệu người coi tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên, còn 187,4 triệu người coi đây là ngôn ngữ thứ hai. Tại Canada, tiếng Anh và tiếng Pháp đều được coi là ngôn ngữ chính thức.
Theo InsiderMonkey, dù tiếng Anh thông dụng nhất thế giới, nhưng nó không phải là ngôn ngữ duy nhất mà chúng ta cần biết. Càng biết nhiều ngôn ngữ, chúng ta càng có nhiều cơ hội học tập và nghề nghiệp, phát triển kỹ năng giao tiếp, giúp chúng ta hình thành thế giới quan riêng nhờ tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau, cũng như tạo dựng mối hệ với toàn cầu.
Hồng Hạnh (Theo InsiderMonkey/Babbel)