Việc trao đổi bằng ngôn ngữ gì thường được quyết định bởi ai là người nói trước. Nếu con gái tôi bắt đầu, cháu sẽ nói tiếng Anh. Còn nếu vợ chồng tôi bắt đầu, cháu vẫn trả lời bằng tiếng Việt mà không cảm thấy quá khó khăn.
Mọi việc có vẻ ổn cho tới lúc tập dượt đón bà ngoại sang chơi. Cháu cảm thấy rất phiền toái khi phải nhớ thêm chữ "ạ" vào mọi câu nói, từ câu hỏi tới câu trả lời. "Nghe như cứ nói xong là phải 'ợ' một cái", cháu ví von. Tôi giải thích rằng đó một quy tắc ngôn ngữ biểu cảm. Cũng giống như cháu phải thêm "please" vào câu tiếng Anh để mang tới cảm giác dịu dàng và tôn trọng đối phương hơn. Thế là cháu nói với em họ: "Chị chơi với em có được không ạ?".
Câu chuyện của con gái tôi rất phổ biến với trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài. Trong cuộc sống tha hương, điều được quan tâm nhất thường là năng lực ngoại ngữ tốt để hòa nhập xã hội. Thế nhưng, khi đã hòa nhập rồi, kiều bào thường phát hiện sự khó khăn trong việc tiếp nối tiếng Việt cho các thế hệ sau. Ngoài việc chuyển tải thông điệp, ngôn ngữ còn mang theo văn hóa. Các bé lớn lên mà không được trải nghiệm đầy đủ môi trường văn hóa Việt, có thể hiểu sai lạc, hoặc định kiến trong sử dụng ngôn ngữ. Tôi biết có trẻ khi bị góp ý cần phải nói tiếng Việt sõi, không bị "pha" giọng Nga. Cháu than vãn rằng tiếng Nga của cháu mới bị "pha" giọng Việt.
Thế nên, tôi rất mừng khi ngày 8/9 được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.
Thực tế thì quảng bá văn hóa để có cách hiểu đúng đắn về quốc gia cho các thế hệ tiếp nối ở nước ngoài đã được khuyến khích tích cực bởi nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Từ năm 2003, 9/1 là ngày người Ấn Độ tại nước ngoài. Ngày này được chọn vì là ngày kỷ niệm sự trở về của Mahatma Gandhi từ Nam Phi. Từ năm 2004, Văn phòng hội đồng Tiếng Hoa quốc tế bắt đầu xây dựng hệ thống học viện Khổng Tử để truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài. Trong đó, học viện đặc biệt chú trọng tới việc tiếp nối văn hóa cho người Hoa, và dùng cầu nối này để thay đổi hình ảnh Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Tôi từng trò chuyện với một giám đốc phân viện, cũng là giáo sư cùng cơ quan. Ông nói, tôn chỉ của học viện là: văn hóa chứ không phải màu da là cái nhắc người Trung Quốc biết mình là người Trung Quốc. Tất nhiên, suy nghĩ này có thể cực đoan và không bao hàm. Tôi cho rằng miễn trong trái tim người Việt ở nước ngoài có một chỗ trang trọng cho quê hương thì bất cứ điều gì khác cũng không quan trọng.
Tuy nhiên, tôi nghiệm thấy, dòng văn hóa không tự chảy và tình yêu đất nước không biết tự sinh thêm. Mặc dù Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối năm 2021, và con số này không ngừng tăng lên trong những năm qua, tôi nghĩ tài chính chỉ là một trong hai mặt thiết yếu. Nếu chúng ta không chú trọng việc hiểu đúng về đất nước, các thế hệ tương lai sẽ nhìn lại quê hương bằng lăng kính của người nước ngoài. Mà để hiểu đúng có lẽ cần bắt đầu từ việc yêu và có khả năng làm chủ ngôn ngữ tiếng Việt.
"Tiếng Việt rất giàu và đẹp". Tiếng Việt còn rất khoa học và dễ tiếp thu. Tiếng Việt nói là nghe, đọc là hiểu, chứ không quá phức tạp để học như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật. Khi con gái tôi học những bài hát thiếu nhi, chỉ một buổi là cháu đã líu lo đúng lời. Có lẽ cháu cũng yêu tiếng Việt như tôi. Nhưng cũng giống nhiều trẻ khác, cháu không được học tiếng Việt bài bản và cần nhiều cơ hội để thực hành.
Tôi từng tham gia nhiều ngày hội quảng bá văn hóa, nhưng phần lớn chỉ có du học sinh và đại sứ quán. Tôi mong những người tổ chức ngày hội tiếng Việt này, bắt đầu từ năm sau, còn chú ý sự góp mặt của cả những người đã rời Tổ quốc, những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra bên ngoài dải đất chữ S. Họ cũng là những người con xa xứ như lời thơ Lưu Quang Vũ "Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?".
Hãy cứ khác biệt về nhiều thứ, nhưng ngôn ngữ là chung.
Tô Thức