Tiếng Việt là một thứ tiếng muôn hình muôn vẻ với những cấu trúc ngữ pháp riêng biệt kết hợp với thanh âm. Sự đa dạng và phong phú ấy đã tạo nên nét đẹp riêng cho Tiếng Việt của chúng ta, là người Việt Nam, tôi tự hào khi sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Thế nhưng thực tế tôi bàng hoàng nhận ra một điều, Tiếng Việt đang dần bị biến hóa đủ mọi kiểu. Người ta sử dụng chúng một cách tùy tiện mà không cần biết những từ ngữ có nghĩa gì và cách dùng chúng như thế nào.
Trước đây đã có nhiều bài viết nói về việc Tiếng Việt đang bị Tây hóa hay bị chế biến theo ngôn ngữ teen bằng cách chèn tiếng nước ngoài vào những câu nói như “Maybe mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên perfect như thế.” (Có lẽ mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên hoàn hảo như thế.) hay “Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`, vo^ tinh` nghj~ den' anh, hok bjk jo` nay` anh dang lam` j` ” (Ngồi buồn không biết làm gì, vô tình nghĩ đến anh, không biết giờ này anh đang làm gì)..
Ngôn ngữ trong thế giới mạng này là một hiện tượng mới do giới trẻ (hay người ta thường gọi là tuổi teen) ngày nay thường dùng. Ngôn ngữ này xuất hiện từ khi có sự bùng nổ của mạng Internet đồng thời với sự thay đổi của xã hội, từ một xã hội khá bảo thủ sang một xã hội cởi mở.
Những hiện tượng đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Về mặt khách quan, đó là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ như: xu hướng đổi mới, sự thay đổi, sự hội nhập, các trào lưu xã hội, sự bùng nổ của Interrnet…
Trong ngôn ngữ, đó chính là quy luật tiết kiệm. Đó là quy luật không ai có thể phá vỡ nổi, không có đạo luật nghiêm khắc nào có thể ngăn chặn, can thiệp được, dù ghét nó người ta cũng phải nhượng bộ.
Còn về mặt chủ quan thì giới tuổi teen muốn tìm sự khác biệt, mới lạ. Họ muốn khẳng định mình trước người lớn, để người lớn phải tôn trọng. Tư duy cần phải tạo nên sự khác biệt đã ăn sâu vào giới trẻ hiện nay.
Sự thay đổi này thoạt nhìn có vẻ như vô hại nhưng nó đang dần để lại một hệ quả khó lường. Từ học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến sinh viên đại học, nhân viên văn phòng đang lạm dụng loại ngôn ngữ này.
Họ không những sử dụng chúng trên mạng mà còn đem chúng ra cuộc sống hằng ngày áp dụng vào mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi mà không cần biết chúng có thích hợp hay không. Chẳng hạn như học sinh - sinh viên mang ngôn ngữ này viết vào trong bài thi, bài kiểm tra khiến cho giáo viên phải đau đầu vì phải ngồi dịch Tiếng Việt.
Việc sử dụng ngôn ngữ này trong một thời gian dài, liên tục, không có sự tự giác và kiểm soát đã hình thành một thói quen vào trong tiềm thức của mọi người khiến cho họ sử dụng nó trong vô thức. Chắc hẳn đa số các bạn trẻ hiện nay đều gặp không ít rắc rối với việc viết sao cho đúng chính tả, đặt câu sao cho đúng ngữ pháp hay sử dụng từ ngữ như thế nào cho đúng với ngữ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh.
Qua những chuyến đi tôi còn nhận ra người dân đang mất khả năng sử dụng Tiếng Việt đến mức báo động. Điển hình là qua những biển quảng cáo, những biển báo mà tôi có dịp được nhìn thấy và sưu tầm được.
“Xử lý” chứ không phải “sử lý”
Hay mới đây nhất là việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản có những lỗi chính tả không thể chấp nhận được.
Trẻ em là nền móng của đất nước, là những người sau này đưa đất nước trở nên giàu đẹp và phồn thịnh hơn. Thế nhưng ngày ngày các em lại “được” nhìn thấy vô số bảng quảng cáo sai chính tả, “được” học những từ ngữ viết sai chính tả từ sách giáo khoa thì thử hỏi tương lai sau này liệu các em có còn biết cách sử dụng Tiếng Việt như thế nào cho đúng?
Tiếng Việt liệu có còn giữ được nét đẹp thuần khiết của nó? Chúng ta tự hào về đất Việt ngàn năm văn hiến, tự hào về tiếng Việt thân yêu. Để thế hệ trẻ Việt Nam biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta cần phải loại bỏ thứ ngôn ngữ biến hóa từ tiếng Việt trên mạng với những lỗi sai chính tả hiện nay.
"Giỗ" chứ không phải dỗ |
Thật khó hiểu nếu người Việt nói chuyện với nhau không bằng tiếng Việt mà bằng thứ ngôn ngữ của một quốc gia khác với hệ tư tưởng và nền văn hóa khác. Đó không những là hành động khinh thường tiếng Việt mà còn tỏ ra thiếu coi trọng lịch sử và nền văn hóa của chính đất nước mình.
Phát triển ngôn ngữ là một việc tốt, nó giúp ngôn ngữ đó được hoàn thiện hơn. Tôi không phê phán các bạn phát triển Tiếng Việt, chỉ mong các bạn hay thay đổi nó theo chiều hướng tích cực. Phát triển nhưng không biến mất và không bị đồng hóa.
Tiếng Việt phải được phát triển trong sự trong sáng của nó, trong một quan điểm đúng đắn, không cực đoan.
Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về đất nước mình, về tiếng nói dân tộc mình. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Vic Nguyễn