Hồi còn nhỏ, Tết là dịp được lũ trẻ con trong xóm chúng tôi trông đợi nhất trong năm. Nhắc đến Tết là mặt đứa nào cũng hồ hởi, rạng rỡ kể về chuyện phụ mẹ gói bánh tét, làm các loại mứt quê hương, chọn trái cây đủ màu sắc ra sao rồi hí hửng khoe nhau quần áo mới, cùng với việc thống nhất xem đứa nào sẽ mặc chiếc áo nào để nổi bật hơn trong suốt ba ngày Tết. Và sôi động nhất, cả đám sẽ nhao nhao lên khi nhắc đến từng chiếc bao lì xì đỏ chót được nhận từ những a,i để rồi dự đoán xem đứa nào mới là người "bội thu" (may mắn nhất) trong năm mới.
Người lớn thường bận tối mặt tối mũi vì phải chuẩn bị mọi thứ cho những ngày Tết sao cho chu đáo, trọn vẹn. Vì vậy, bọn trẻ con chúng tôi cũng được dịp trở thành các tay sai vặt đắc lực, thường xuyên được nhờ mang cái này đi biếu, cất cái kia vào tủ... Thế là cả bọn có cơ hội len lén giấu kỹ đủ thứ bánh mứt để chia nhau, trong khi cùng chơi trò rượt bắt vào lúc đón giao thừa.
Riêng tôi, thứ tôi ao ước được xem nhất trong những ngày giáp Tết là một dây pháo dài, được mẹ gói giấy cẩn thận khi mua về từ buổi họp chợ cuối năm. Tay mân mê từng viên pháo dài, màu đỏ choét cẩn dây vàng, tôi thích thú mường tượng đến những âm thanh vui tai được phát ra từ chúng. Và dĩ nhiên, tôi càng phấn chấn hơn nữa khi được mẹ giao nhiệm vụ tìm cành trúc to và chắc để treo pháo lên.
Dây pháo được cha treo lên trước cửa nhà từ lúc chiều, nên lũ nhóc chúng tôi cứ tụm năm tụm bảy phía dưới bày đủ thứ trò chơi. Sau mâm cỗ cúng gia tiên, cả gia đình sẽ dùng cơm tất niên và ngồi uống trà đến tận giao thừa. Khi đồng hồ gõ đúng 12 tiếng, cả nhà sẽ tập trung đông đủ trước cửa lớn để xem đốt pháo. Trong suốt những tiếng đì đùng khuấy động đêm khuya ấy, tôi thấy ai trong nhà cũng im lặng, mỉm cười và nắm chặt tay nhau như cầu chúc một năm mới an khang và nhiều may mắn.
Không lâu sau những âm thanh vui tai từ nhà tôi, hàng loạt tiếng pháo chồng chéo lên nhau của hàng xóm tiếp tục pha thêm sự náo nhiệt, đánh dấu thời khắc mở ra của năm mới. Những tiếng xoẹt, đùng vẫn cứ nối tiếp nhau từ gần đến xa ấy, đưa tôi vào giấc ngủ với tất cả niềm háo hức đầu năm rằng sáng mai ai sẽ là người xông đất nhà bà nội đầu tiên, ai sẽ nhận được bao đỏ lớn nhất, ai có câu chúc Tết hay nhất... và còn nhiều thứ khác nữa.
Đã nhiều năm rồi, gia đình tôi không còn đốt pháo vào dịp giao thừa nữa. Sau những tất bật cuối năm, người lớn sẽ quây quần bên nhau xem các chương trình mừng xuân mới trên TV để đón giao thừa. Lũ nhóc ngày xưa sẽ rủ nhau vào thị trấn thật sớm để giành một chỗ trống xem bắn pháo hoa. Dù không còn tiếng pháo nổ vui tai và xác pháo rơi đầy sân nhà vào sáng mùng một, đêm giao thừa vẫn ấm cúng, vui vẻ bởi tiếng nói cười không dứt của người thân sau một năm xa cách. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu điều gì đó. Phải chăng, vì không còn tiếng pháo mà những cái nắm chặt tay đầu năm dần bị lãng quên mất rồi?
... Tiếng mẹ gọi í ới sau bếp, đã kéo tôi khỏi hồi ức về những âm thanh vui tai thuở thiếu thời. Ngắm nghía mười ống pháo hoa được hai chị em giấu kỹ trong góc nhà, tôi và chị hai huých vai cười tít mắt vì mâm cỗ tất niên nhà mình sẽ có thêm "món" mới. Mùa xuân này sẽ là dịp để những cái nắm tay thêm chặt sau một khoảng thời gian vắng bóng...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Lưu Thị Hồng Mai