Thứ bảy, 14/9/2024
Chủ nhật, 5/12/2021, 10:37 (GMT+7)

Tiếng nói của trẻ yếu thế trong đại dịch

50 bức tranh của trẻ em khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, mồ côi... đã hội tụ trong triển lãm Biết ơn, diễn ra tại trụ sở Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, nhân Ngày quốc tế người khuyết tật.

"Biết Ơn" là hoạt động tiếp nối cuộc thi vẽ tranh Vì một Việt Nam tất thắng, do chương trình Ông Mặt trời, quỹ Hy vọng và UNICEF tại Việt Nam đồng tổ chức. 50 bức tranh là của các em nhỏ bị bệnh ung thư, trẻ em khuyết tật và các nhóm trẻ yếu thế khác sáng tác trong giãn cách xã hội.

Em Lee Nguyễn Sae Hae, 11 tuổi, Hà Nội, tham dự triển lãm với bức tranh chủ đề Bộ đội nhận hộp giúp dân. "Qua tác phẩm của mình, em muốn thể hiện sự cảm ơn với lực lượng tuyến đầu chống dịch, đã vượt qua khó khăn để bảo vệ sự bình yên cho người dân", em cho biết.

Sae Hae mắc bệnh tự kỷ, ngôn ngữ, hành động, xúc giác, khứu giác, thính giác đều bị ảnh hưởng nặng. Bằng nỗ lực của bản thân và gia đình, cậu bé lai Việt - Hàn đã có thể học hòa nhập từ lớp Một và giành được nhiều giải thưởng vẽ tranh.

Em Chu Ánh Tuyết, 15 tuổi, Hưng Yên vẽ bức "Bàn tay diệu kỳ", qua đó muốn gửi lời cảm ơn đến những y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu chống Covid-19, để bảo vệ người dân và cũng là bảo vệ cho chính em.

Tuyết là một bệnh nhân ung thư máu. Những bức tranh tham dự triển lãm từ tháng 8 tới nay là những bức vẽ đầu tiên trong cuộc đời em. Ngoài tranh dự thi, em còn tặng tranh cho Phó Chủ tịch nước và ca sĩ Hà Anh Tuấn.

Bức tranh "Chúc ngủ ngon" của em Lê Thị Hồng Ngọc, cô bé trong làng trẻ SOS Hà Nội, mang đến khung cảnh bầu trời về đêm yên tĩnh, thể hiện một cuộc sống thanh bình, cầu mong mọi người đều thể ăn no, ngủ yên.

Nhân vật chính trong bức tranh là một cô bé với nhiều ý nghĩa. Đó là em bé đang chờ bố mẹ đi chống dịch về để ăn với nhau một bữa cơm; là lời cầu nguyện của cô bé với những người đã mất vì Covid-19. Cô bé này cũng có thể chính là linh hồn đứa trẻ.

Bức tranh của em Võ Văn Kiệt, 15 tuổi, truyền tải thông điệp tuân thủ 5K, mang đậm bản sắc của một cậu bé đến từ vùng biển Bình Định. Năm 2013, một biến cố xảy đến với Kiệt, khi mẹ mất, cha bị tai biến, em phải vào làng trẻ SOS Quy Nhơn.

Em Trần Khánh Chi, 12 tuổi ở Hà Nội đã vẽ các y bác sĩ như những siêu nhân có sức mạnh làm được mọi việc.

Khánh Chi bị ung thư tụy, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Em vẽ tranh này khi đang truyền thuốc. "Qua tranh em muốn gửi lời cảm ơn các y bác sĩ và mong dịch bệnh sớm qua", Chi gửi gắm.

Bức tranh mang thông điệp bảo vệ môi trường của em Sùng A Hảng, đến từ Làng trẻ SOS Điện Biên. Cậu bé mồ côi muốn cất lên tiếng nói: "Nếu không có ý thức trong phòng chống Covid-19, những nấm mồ kia có thể là bất cứ ai". Hảng đã vẽ những nấm mồ "VIP", thể hiện cho người thân của mình và có cả một nấm mồ mang tên em.

Bức tranh chủ đề Hãy bảo vệ trẻ em khuyết tật của em Nguyễn Thị Thông, 14 tuổi, ở Bình Định, xuất phát từ chính câu chuyện của em. Cả cha mẹ Thông đều bị tâm thần, chị gái em cũng tâm thần bất ổn. Thông đã sống trong làng trẻ SOS Quy Nhơn từ khi 3 tuổi. "Thấu cảm sâu sắc những hoàn cảnh tương tự mình, em mong cộng đồng quan tâm giúp trẻ khuyết tật có cuộc sống tốt hơn", em nói.

Bức tranh "Khung cảnh bình yên sau đại dịch" là thông điệp cô bé Nguyễn Ngọc Bảo Tiên, 10 tuổi ở Gia Lai gửi đến cuộc thi.

Bảo Tiên gặp tai nạn năm 2020 dẫn dến bị thương nặng ở chân và bộ phân sinh dục, đã trải qua bảy ca phẫu thuật. Bức tranh là lần đầu tiên em cầm bút sau 10 tháng. Để vẽ được em đã phải nằm nghiêng người.

Bức tranh chủ đề "Nhớ biển" là kỷ niệm đẹp và khát khao được nô đùa trên những bãi cát trắng cùng bạn bè, của cậu bé vùng sâu xa Trần Đức Huy, 12 tuổi, ở Thừa Thiên Huế. Huy mồ côi cha, mẹ bị bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng nuôi dưỡng. Vì thế từ cách đây bốn năm, em đã sống trong làng trẻ.

Bà Rana Flowers, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, con người có quyền được chia sẻ quan điểm, tiếng nói và cảm xúc. Các trẻ em trong cuộc thi đã được thể hiện quyền đó của mình trực tiếp hay thông qua các bức tranh. "Đây là tiếng nói của những cảm xúc, quan điểm tự do, không bị ngăn cấm của các em", bà nói.

Trong hình, bà Rana Flowers (ngoài cùng phải), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang (giữa) và Giám đốc Quỹ Hy vọng - VnExpress Nguyễn Xuân Tú (ngoài cùng trái) đang thảo luận tranh của các em.

Bất kể có Covid-19 hay không, các trẻ em yếu thế cũng khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ hội được đến trường hay tham gia các hoạt động của đời sống xã hội.

Cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng và triển lãm tại UNICEF hôm 3/12, hay triển lãm tại Mỹ, Đức năm 2022.... sẽ mang tới cơ hội hòa nhập cho tất cả các em. Đây là dịp đưa tiếng nói của các em tới cộng đồng; sâu xa hơn nhắc nhở xã hội không nên bỏ quên tài năng, mơ ước và khao khát sống mãnh liệt của các em. Như Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ từng nói: "Thước đo quan trọng nhất một xã hội phát triển thế nào là cách đối xử với nhóm người yếu thế". Hay như Bộ trưởng Giáo dục Trần Kim Sơn, từng phát biểu trong gala Vì một Việt Nam tất thắng rằng "giáo dục cho trẻ em đặc biệt là một loại giáo dục đặc biệt. "Nó là thước đo tính văn hóa, tính nhân văn của một nền giáo dục. Nó vốn thể hiện tính chất, chất lượng của nền giáo dục, vừa thể hiện đặc tính của cả xã hội", ông nói.

Trong hình là các em Hồng Ngọc, Ánh Tuyết và Sae Hae (từ trái qua) có tranh triển lãm và giao lưu với khách tham quan.

"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học diễn ra từ ngày 8/8/2021, dành cho các em từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi. Cuộc thi do chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời do ông Minh Nhân sáng lập), Quỹ Hy vọng - báo VnExpress, trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức.

Phan Dương