Họa sĩ Trung Nghĩa vừa khai mạc "Tiếng gọi núi rừng" tại TP HCM. 21 bức tranh tại sự kiện này đều được thực hiện từ chất liệu khác so với chất liệu phổ biến trong hội họa, đó là: khói, lửa từ đèn xì, đèn dầu, diêm sinh, đuốc và đất để vẽ trên loại giấy dày và xốp.
![]() |
Mèo rừng. |
Các chất liệu nói trên không phải hoàn toàn mới. Chúng được dùng trong các dạng tranh mỹ nghệ, quà lưu niệm. Tuy vậy, nét chân chất, mộc mạc của dạng chất liệu này hấp dẫn Trung Nghĩa khám phá, tìm tòi để nâng chúng lên thành tác phẩm. Chủ thể trong tranh của Trung Nghĩa thường là các loài động vật ở vùng cao. Trong đó có không ít con vật chỉ còn trong ký ức của nhiều người vì trước sức tàn phá môi trường, chúng chỉ còn nước bên bờ tuyệt chủng, như hổ vằn, đại bàng trắng...
Xem tranh Trung Nghĩa, nếu vội vàng khán giả sẽ khó nắm bắt được hình ảnh anh thể hiện. Những vệt xám, nâu, đen loang lổ trên giấy chỉ dần hiện ra khi người ta dành chút thời gian ngắm nghía. Đó là những con vật như bước ra từ đống tro tàn để cất tiếng kêu của chúng.
![]() |
Đại bàng trắng. |
Ngoài triển lãm tranh, Trung Nghĩa còn kết hợp với nhóm nhạc GuiHANGtar để trình diễn âm nhạc tại sự kiện. Mục đích của nhóm là mang đến những âm thanh, sắc màu và tiếng vọng của đại ngàn cao nguyên.
Phần trình diễn tám tác phẩm âm nhạc diễn ra tối 3/1 và phần trình diễn vẽ tranh với lửa khói và giấy của Trung Nghĩa diễn ra tối 4/1, tại Nhà triển lãm TP HCM, số 92, Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM.
![]() |
Trung Nghĩa (trái) biểu diễn dùng khói lửa vẽ tranh trên nền nhạc của nhóm GuiHANGtar. |
Họa sĩ Trung Nghĩa sinh ra và lớn lên tại vùng núi Tây Nguyên, tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật khoa Trang trí nội thất, Đại học Kiến trúc TP HCM năm 2003. Anh tham gia hoạt động hội họa chuyên nghiệp từ năm 2011. Anh đã có triển lãm cá nhân đầu tiên cùng nhóm GuiHANGtar với tên gọi "Giấc mơ cao nguyên", diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM tháng 1/2012.
GuiHANGtar là nhóm nhạc gồm Nguyễn Lê Tuyên - giảng viên âm nhạc Đại học Quốc gia Australia (ANU) và nhạc sĩ Salil Sachdev - giảng viên âm nhạc Đại học Bridgewater (Mỹ). Bộ đôi này thực hiện các tác phẩm đương đại lấy cảm hứng từ văn hóa cồng chiêng Việt Nam. Cách biểu diễn nhịp nhàng và nhịp điệu truyền thống của vùng cao nguyên được bộ đôi nhạc sĩ này chắt lọc và đưa vào khi trình diễn các tác phẩm của họ với những góc nhìn mới. Sáng tác của Nguyễn Lê Tuyên cũng mang đến hiệu ứng từ các âm thanh mộc và lạ trong những nhạc cụ, như trống nước Phi châu, trống chân, guitar...
* Video: Trung Nghĩa nói về triển lãm 'Tiếng gọi núi rừng' |
* Ảnh: Những bức họa từ khói, lửa và diêm sinh |
Thất Sơn