Anh trưởng thôn nói rằng mỗi đêm có 2 lần đánh kẻng. Hồi kẻng lúc 19h nhằm nhắc nhở trẻ con học bài; đến 21h kẻng đánh một lần nữa cho phép các cháu nghỉ giải lao. Giữa quãng thời gian này, thôn tổ chức đi đến tận nhà học sinh để kiểm tra xem các em có chuyên chú học bài, hay là xem tivi. Kẻng cũng đồng thời nhắc phụ huynh hạn chế mở truyền hình hay tổ chức nhậu nhẹt ăn uống vào giờ này, tránh ảnh hưởng đến việc học của con cháu.
![]() |
Thôn trưởng Xiêng Thanh Tin đánh hồi kẻng lúc 19h nhắc trẻ bắt đầu học bài. Ảnh: Tùy Phong. |
Ở nhiều vùng sâu xa Tây Nguyên, không ít gia đình chưa ý thức được việc có “cái chữ” trong đầu thì tương lai sẽ no “cái bụng”. Do vậy, phụ huynh chỉ mong con mình nhanh lớn để đi làm rẫy chứ chuyện học bài thì "hãy để lúc rảnh rồi nói". Hệ lụy là tỷ lệ học sinh học lực yếu rất cao. Con số này tăng nhiều hơn sau 3 tháng hè, nhiều em hầu như không còn chút kiến thức nào, có em không muốn quay trở lại trường nữa, cá biệt, một số em nữ định ở nhà "bắt" chồng.
Các giáo viên tưởng chừng như bất lực, vô vọng, thì từ năm 2007, sáng kiến “tiếng kẻng học tập” là bước ngoặt làm thay đổi bộ mặt giáo dục của huyện Ngọc Hồi. Cán bộ phòng Giáo dục huyện đã cùng các giáo viên của trường tiểu học và trung học cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là già làng, trưởng thôn, để tuyên truyền, vận động, phân tích ý nghĩa của “tiếng kẻng học tập”, nhằm đưa các em vào khuôn khổ, tránh chơi bời lêu lổng.
Theo đó, việc học của các em bắt đầu từ lúc 19h. Lúc này trưởng thôn sẽ có nhiệm vụ đi đến nhà rông của làng để đánh kẻng: báo hiệu giờ ngồi vào bàn học bài đã đến. Học sinh, thay vì đi chơi như trước kia, được già làng, thôn trưởng, các Hội đoàn thể và phụ huynh “áp tải” vào bàn học rồi mới đi làm việc của mình.
Các giáo viên bám bản, bám làng phối hợp với cán bộ thôn đến từng gia đình có học sinh đang học ở nhà để kiểm tra việc học cho đến 21h. Đến giờ, một hồi kẻng nữa lại được gióng lên, học sinh được phép nghỉ ngơi.
Để nâng cao chất lượng học tập của các em, không chỉ kiểm tra, các giáo viên còn tận tình giúp những em có học lực yếu kém, hoặc cử em khá đến học nhóm với những bạn học kém để giúp nhau tiến bộ.
![]() |
Trẻ con huyện Ngọc Hồi nhiều năm nay đã quen nếp ngồi vào bàn học lúc 7h tối và nghỉ giao lao lúc 21h. Ảnh: Tùy Phong. |
Đặc biệt, để các phụ huynh và học sinh thực hiện có nề nếp phong trào “tiếng kẻng học tập”, già làng đã cho ra đời một lệ mới: Nếu gia đình nào làm ảnh hưởng đến việc học tập ở nhà của con em mình hoặc làng xóm, nặng thì sẽ bớt gạo, nhẹ thì bị chậm phát trợ cấp, hỗ trợ gạo, muối… của nhà nước.
Em Xiêng Thanh Tú (học lớp 7 trường THCS Đăk Nông) cho biết, ba mẹ em thường tổ chức ăn cơm sớm để con có thể học bài đúng giờ. "Ba mẹ cũng cấm không cho em đi chơi đêm như trước kia nữa; mà có ra đường cũng chẳng biết chơi với ai vì bây giờ bạn nào cũng ở nhà học bài", Xiêng Thanh Tú nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Để thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh ở đây là việc làm rất khó khăn, song với sự cố gắng của phòng cùng sự hỗ trợ tích cực của các chức sắc uy tín nên sự nghiệp giáo dục ở huyện này đang ngày một đổi sắc.
Theo ông Hiền, bà con nơi đây thường có thói quen tụ tập uống rượu, vui chơi. "Chúng tôi phải vận động phụ huynh nếu có uống rượu, hay vui chơi thì ra nhà rông để tránh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Và cũng chính vì có cái lệ phạt đặc biệt mà các già làng ban ra, gần 7 năm nay, kể từ khi mô hình học đêm được áp dụng, chưa có phụ huynh nào dám vi phạm", ông Hiền nói.
Ông Hiền còn cho biết thêm, do kinh tế của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, trước đây các em học sinh không có lấy một góc để học bài. Cán bộ phòng phải đến từng gia đình kiểm tra, nếu nhà nào có điều kiện thì vận động phụ huynh mua cho con bàn học. Còn nhà nào khó khăn, cán bộ phải thiết kế cho các em chỗ ngồi học…
Tỷ lệ học sinh yếu kém ở huyện đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Tỷ lệ học sinh bỏ học cũng đã giảm hẳn, chuyện “đánh rơi” kiến thức sau mỗi kì nghỉ hè đã được đẩy lùi, ông Hiền phấn khởi đánh giá.
Tùy Phong