Tiếng cười trên "Gặp nhau cuối tuần" đã nhạt dần, vì sao?
Ra mắt số đầu tiên đúng vào ngày nói dối 1/4 năm trước, "Gặp nhau cuối tuần" do Hãng phim Truyền hình sản xuất được phát sóng trên VTV3 được nhiều người quan tâm theo dõi. Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến từ phía khán giả cho rằng, tiếng cười trong chương trình đã nhạt dần. Vậy những người trong cuộc nói gì về "đứa con" của họ?
Đạo diễn Thanh Hải: Đạo diễn Khải Hưng là người đưa ra ý tưởng cho ra đời chương trình giải trí mới, lấy tên "Gặp nhau cuối tuần". Tôi là một trong những người làm 4 số đầu tiên của chương trình này. Thú thực, khi bắt tay vào chúng tôi rất bỡ ngỡ và khó hình dung cách thức làm như thế nào, vì đây là chương trình giải trí hài đầu tiên trên truyền hình. Rất may là sự mạnh dạn của chúng tôi được khán giả đón nhận ngay từ số đầu tiên. Tôi đồng ý với nhận xét của người xem. Sau một năm nhìn lại, bản thân tôi cũng chưa thực sự hài lòng với những số gần đây. Có nhiều lý do bất cập, hóc búa nhất là đề tài và nội dung thể hiện. Tôi có tham khảo một số chương trình Talk Show của Anh, Mỹ nhưng không thể làm theo cách của họ được, vì ở nước ta, không phải mọi vấn đề đều có thể được mổ xẻ dưới con mắt hài hước. Chúng tôi không có "của để dành", nghĩa là không có nguồn kịch bản có sẵn, mà do những kíp làm chương trình tự nghĩ ra trong từng số. Do đó, cái khó của người làm "Gặp nhau cuối tuần" là bản thân họ phải có tính hóm hỉnh, hài hước thì mới khai thác và thể hiện được tiếng cười từ các vấn đề cuộc sống và làm cho người xem cũng cảm nhận được tiếng cười đó. Đó cũng là lý do vì sao Hãng phim Truyền hình có khoảng 20 đạo diễn, nhưng chỉ có 4 - 5 người "dám" làm chương trình này.
Người dẫn chương trình Thảo Vân : Tôi nghĩ đây là là chương trình có cả những số tốt và chưa tốt. Cái khó là nhiều nhóm đạo diễn cùng làm chương trình nên thiếu thống nhất về phong cách. Nếu không nhanh chóng có đổi mới về cách thức, nội dung thể hiện và đầu tư, thì "Gặp nhau cuối tuần" không tránh khỏi số phận như một số chương trình khác: những số đầu thì hay, càng về sau càng đuối. Bản thân Vân cũng đang suy nghĩ sẽ phải thay đổi như thế nào để khán giả không nhàm chán mình. Rất nhiều thư của bạn xem truyền hình dành nhiều lời động viên và những đóng góp về cách dẫn chương trình của Vân. Ví dụ: Dạo này Vân cười hơi nhiều đấy hoặc là Vân hơi điệu đàng đấy... Vân sẽ chú ý thay đổi cách dẫn chương trình cho phù hợp với nội dung từng số.
Phó Giám đốc hãng phim Truyền hình - Đạo diễn Khải Hưng: Đài truyền hình yêu cầu chúng tôi tăng thời lượng phát sóng chương trình từ 2 tuần/số lên 1 tuần/số trong năm, nhưng điều đó chưa thể đáp ứng ngay được. Tôi không phải là người quá khiêm tốn để nói dè dặt: "Gặp nhau cuối tuần" là chương trình khó thật chứ không phải khó đùa!. Tôi vẫn coi đây là sự thể nghiệm một chương trình hài trên truyền hình. Gần một năm nay, tôi và các đồng nghiệp vẫn lúng túng chưa tìm thấy con đường nào cho chương trình. Có lẽ những người làm chương trình sẽ đánh giá một cách nghiêm khắc những mặt được và chưa được, sau đó sẽ chuyển hướng sang những hình thức biểu hiện khác. Lối đi mới cho "Gặp nhau cuối tuần" trong năm nay sẽ là xã hội hóa tiếng cười. Điều làm tôi lo ngại là diễn viên chuyên nghiệp đôi khi không làm khán giả cười được, vậy thì các diễn viên không chuyên theo kiểu "cây nhà lá vườn" có "chọc" được khán giả cười không?
(Theo Thanh Niên).