"Tiếng Anh có khả năng trở thành một trong những ngôn ngữ quan trọng, nhưng trong tương lai không xa, vị trí của nó sẽ phức tạp hơn là người ta đánh giá", David Graddol nói.
Ông cho rằng tiếng Anh sẽ là một trong nhiều tiếng bình đẳng khác thay vì nắm vị trí thống trị toàn cầu như hiện nay. "Những người chỉ nói một thứ tiếng Anh - Mỹ hay Ấn - sẽ gặp phải khó khăn trong tìm việc và đời sống chính trị, cũng như bị lúng túng trong nhiều lĩnh vực xã hội, văn hoá", Graddol nói.
Các thế hệ đa ngôn ngữ đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và đông đảo hơn cả là ở Mỹ. Văn phòng dân số Mỹ năm ngoái báo cáo gần 20% người Mỹ nói một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh tại nhà, trong đó tiếng Tây Ban Nha dẫn dầu, tiếp đến là Trung Quốc. Và chính sự đa dạng ngôn ngữ đó đã thúc đẩy lời kêu gọi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia.
Mặc dù quan trọng cần phải học tiếng Anh, nhưng các nhà giáo dục và chính trị gia cần phải nhận ra rằng điều đó không có nghĩa là từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình. Graddol ước tính tỷ lệ số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất sẽ giảm từ 9% từ giữa thế kỷ 20 xuống 5% vào năm 2050. Vào năm 1995, tiếng Anh là thứ tiếng được nói nhiều thứ 2 trên thế giới, sau tiếng Trung. Đến năm 2050, tiếng Trung vẫn tiếp tục vị trí dẫn đầu, còn tiếng Hindi-Urdu của Ấn Độ và tiếng Arập sẽ vượt qua tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha thì ngang ngửa.
"Ở nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển, đều có nhận thức rõ ràng về sự thống trị của tiếng Anh. Có nhiều nơi đang muốn thay đổi xu hướng này", nhà nghiên cứu Montgomery nói.
Chẳng hạn, vào thời kỳ đầu, Internet toàn những site tiếng Anh, nhưng những năm gần đây đã mọc thêm nhiều trang web bằng thứ tiếng khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Nhật, Trung. Tuy nhiên, hiện tiếng Anh vẫn nắm vị trí vững chắc trên toàn cầu và dạy học tiếng Anh đang là một ngành công nghiệp phát triển.
"Hệ thống ngôn ngữ của thế giới phát triển qua nhiều thế kỷ nay đang tiến tới thời điểm khủng hoảng và chuyển dịch cơ cấu một cách nhanh chóng", Graddol nói. Trong quá trình đó, khoảng 90% của 6.000 ngôn ngữ trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng.
Minh Thi (theo AP)