Bác sĩ Mai Thanh Hải, Trưởng Khoa Quốc tế và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 6/6 trong tình trạng chân trái đau đớn, sưng nề, biến dạng, mất vận động cẳng chân bên trái. Kết quả chụp X-quang cho thấy gãy hai xương cẳng chân bên trái, 1/3 giữa, gãy xương kín (phần da bên ngoài nơi gãy không bị tổn thương).
Ê kíp 6 bác sĩ mất một tiếng đồng hồ phẫu thuật nối các vị trí gãy xương chân bệnh nhân, ngay trong đêm. Bệnh nhân được kết hợp giảm đau, bù dịch nâng cao thể trạng.
Ngày 8/6, sức khỏe bệnh nhân ổn định, quá trình hậu phẫu tiến triển tốt, chân trái bớt sưng nề, bớt đau.
Theo bác sĩ Hải, dự kiến khoảng 10 ngày nữa bệnh nhân được ra viện. Ba tuần sau, anh có thể tỳ chân đi lại. Để liền xương phải mất ba đến 6 tháng nữa.
"Việc chơi bóng trở lại của bệnh nhân còn tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe, quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau chấn thương", bác sĩ Hải nói.
Hải Huy là cầu thủ tiền vệ đội bóng Quảng Ninh. Hải Huy gãy chân sau pha va chạm với Hoàng Lâm, trong trận Quảng Ninh - Hà Tĩnh ở vòng 3 V-League 2020 chiều 6/6 trên sân Cẩm Phả.
![Hải Huy đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, phục hồi tốt sau chấn thương.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/06/08/102917639-306800490333363-8801-9245-4973-1591603855.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wkdh2LCx8_QgX9R-H9D_tA)
Hải Huy đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, phục hồi tốt sau chấn thương.
Gãy xương là tình trạng xương bị gãy do lực tác động bên ngoài từ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông... Gãy xương được chia thành gãy xương kín; gãy xương hở (phần da bên ngoài bị tổn thương do đầu xương gãy đâm ra) thường xảy ra ở tay, chân; gãy xương lún (hai xương va vào nhau làm xương gãy bị ép ngắn lại) thường xảy ra ở cột sống.
Theo bác sĩ, vùng cẳng chân có hai xương là xương chầy to, xương mác nhỏ. Gãy xương cẳng chân là gãy một hoặc hai xương cẳng chân, bao gồm tất cả các loại gãy đi từ mâm chày tới mắt cá chân. Dấu hiệu gãy xương cẳng chân là sưng, đau, bầm tím, biến dạng, xương nhô ra ngoài... Bệnh nhân có thể sốc, mất cơ năng của cẳng chân.
Khi sơ cứu gãy xương cẳng chân, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân. Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong và mặt ngoài chân gãy. Nẹp ngoài từ mào chậu (gờ trên cùng của xương chậu) đến quá gót chân, nẹp trong từ bẹn đến quá gót chân. Buộc cố định hai nẹp với nhau ở các vị trí trên và dưới vùng gãy, trên khớp gối và cổ chân để cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân.Vị trí buộc cần chắc chắn nhưng không quá chặt để đảm bảo lưu thông máu.
Gãy xương cẳng chân có thể gây ra những biến chứng như sốc chấn thương, đặc biệt ở gãy xương hở, tổn thương mạch, thần kinh, hội chứng chèn ép khoang. Đây là một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cao phải cắt bỏ chân. Sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách sẽ giảm được biến chứng do gãy xương.
Tùy theo tính chất gãy xương, bác sĩ chỉ định phẫu thuật hoặc bó bột, cùng với các bài tập vật lý trị liệu phù hợp chân. Vùng chân gãy được bất động tạm thời bằng nẹp hoặc bột, kết hợp giảm đau bằng thuốc, bù dịch nâng huyết áp nếu có dấu hiệu sốc. Bệnh nhân cần tái khám đều đặn sau mổ.
Thúy Quỳnh