Thông tin được nêu trong nghị định 118/2024 có hiệu lực từ 15/11, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019. Nghị định dành một mục để quy định về việc tổ chức cho phạm nhân lao động và sử dụng kết quả lao động đó.
Theo quy định, khi chấp hành án phạt tù ở trại giam, phạm nhân có nghĩa vụ phải lao động để cải tạo và trở thành công dân có ích cho xã hội. Giám thị trại giam sẽ bố trí lao động cho phạm nhân phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất.
Khi phạm nhân lao động phải có sự giám sát, quản lý của trại giam và không quá 8 tiếng một ngày và 5 ngày một tuần. Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh theo quy định.
Kết quả lao động của phạm nhân là phần chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động tổ chức lao động, học nghề của phạm nhân sau khi đi trừ các chi phí hợp lý. Chi phí hợp lý do trại giam tự hạch toán, gồm chi phí vật tư, nguyên liệu, tổ chức, điện nước, tiền ăn thêm, bồi dưỡng cho phạm nhân, trích khấu hao tài sản...
Kết quả lao động của phạm nhân sẽ trích 14% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân. Giám thị quyết định việc này song không được tăng quá 1/6 lần tiêu chuẩn ăn hằng tháng mà pháp luật quy định.
Phạm nhân làm thêm giờ, ngày nghỉ được hưởng tiêu chuẩn ăn bằng hai lần bình thường. Nếu không dùng tiêu chuẩn ăn thêm, phạm nhân được gửi vào lưu ký để sử dụng trong sinh hoạt, nộp án phí, thực hiện các nghĩa vụ dân sự, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền hoặc nhận lại sau khi ra tù.
2% kết quả lao động được trích để lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân khi ra tù.
10% được trích để chi trả một phần công lao động cho phạm nhân tham gia lao động song dựa theo kỳ xếp loại quý. Phạm nhân tham gia lao động được chi trả một phần công lao động theo các mức sau: xếp loại tốt được hưởng 100% định mức, khá được hưởng 90%, trung bình hưởng 80%, kém hưởng 50%.
2% được trích để chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động. Mức chi này do giám thị quyết định song không quá 5 lần định lượng ăn trong một tháng cho mỗi phạm nhân tại thời điểm bị tai nạn.
27% được trích bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam. Số tiền trong quỹ này được dùng để hỗ trợ phạm nhân tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao hoạc khi gặp bệnh, rủi ro; hỗ trợ cho cán bộ chiến sĩ trại giam có hoàn cảnh khó khăn.
45% còn lại sẽ được trích để chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam. Việc này nhằm phục vụ tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề, nâng cao tay nghề cho phạm nhân.
Ngoài phần nằm trong định mức được trích như trên, kết quả lao động, học nghề của phạm nhân vượt chỉ tiêu cũng được trích làm hai phần: 50% dành để chi trả trực tiếp cho phạm nhân tham gia lao động, học nghề vượt chỉ tiêu được giao. 50% còn lại dùng để bổ sung quỹ phúc lợi của trại giam.
Phạm nhân khi lao động, học nghề được gửi lưu ký tiền thưởng, tiền chi trả một phần công lao động và kết quả vượt chỉ tiêu, định mức được giao để sử dụng cá nhân hoặc nhận lại sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân và các hoạt động phục vụ yêu cầu quản lý, giam giữ, căng tin phục vụ sinh hoạt của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý, không thuộc trường hợp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.
Việc trích % này có nhiều thay đổi so với Nghị định 133/2020 đang được áp dụng. Hiện nay, kết quả lao động của phạm nhân được trích 14% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; 2% lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân; 12% để chi trả một phần công lao động cho phạm nhân; 22% bổ sung cho quỹ phúc lợi, khen thưởng; 50% chi đầu tư trở lại cho trại giam.
Cả nước hiện khoảng 53 trại giam, 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ ở các đồn biên phòng. Trong đó Bộ Công an quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ, Bộ Quốc phòng quản lý 9 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng.
Phạm Dự