Theo kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đến giờ mới chỉ có một đội bóng nhận được VFF chia tiền bản quyền truyền hình năm 2011. Tuy nhiên con số cũng chẳng đáng để các CLB thấy hào hứng. Nếu đem chia đều số tiền 3 tỷ đồng (50% hợp đồng trị giá 6 tỷ), mỗi đội bóng chơi ở V-League và giải hạng nhất chỉ được chưa tới 100 triệu.
Theo đánh giá của một ông chủ kinh doanh bóng đá, số tiền cả đội nhận được cho cả năm đó không đủ để trả lương cho một cầu thủ ngoại trong một tháng. Các cầu thủ ngoại ở V-League, nếu thuộc hàng ngôi sao cỡ Samson của Hà Nội T&T, Timothy của CLB Hà Nội hay Gaston Merlo của SHB Đà Nẵng... đều nhận lương hàng chục nghìn USD mỗi tháng.
Lương tháng của Merlo nhận ở SHB Đà Nẵng là hơn 300 triệu đồng. |
Mặc dù hợp đồng có quy định mức lũy tiến mỗi năm 10%. Chưa tính tới tỷ lệ lạm phát, chỉ riêng việc số lượng các CLB tham gia các giải Ngoại hạng, hạng Nhất và Cúp quốc gia có thể tăng từ 28 lên thành 32-36 đội trong những năm tới cũng đủ khiến khoản tiền còm các CLB nhận được ngày càng teo tóp hơn.
Một ông bầu đề nghị giấu tên than thở: “Đầu tư bóng đá có rất ít nguồn thu. Vé bán ít, vài tấm biển quảng cáo không thấm tháp so với số tiền bỏ ra. Bản quyền truyền hình, về lâu dài, được xác định là nguồn thu chính. Nhưng ngay cả khi AVG lũy tiến 10% mỗi năm thì chuyện thu lợi từ truyền hình với các CLB gần như bằng không. Về lâu dài, sẽ chẳng ai dám đầu tư vào bóng đá khi mà nguồn thu chính đã bị ràng buộc. Nên nhớ, 20 năm là quãng thời gian dài, đủ để bóng đá Việt Nam phát triển, có thể kiếm được số tiền lớn từ vấn đề thương quyền”.
VPF khẳng định, họ có thể bán thương quyền V-League, hạng Nhất và Cup Quốc gia trong 3 năm và thu về từ 70 đến 100 tỷ đồng. Với nguồn thu đó, mỗi CLB có thể nhận được hàng tỷ đồng mỗi năm.
Về việc AVG tuyên bố sẽ hỗ trợ 100% lợi nhuận từ bản hợp đồng cho thể thao Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cảm thấy khó hiểu: “Bao nhiêu lãi dùng để hỗ trợ thể thao Việt Nam, vậy thì AVG kinh doanh để làm gì ? Tôi đọc được thông tin rằng AVG đang lỗ khi phát sóng tại V-League. Họ chi hàng trăm triệu đồng để sản xuất cho mỗi trận đấu nhưng đang đem cho phát miễn phí. Vậy tới khi nào AVG mới có lãi để hỗ trợ cho thể thao Việt Nam ?”
Ông Vinh cho rằng, khi các bên AVG, VFF, VPF đều nói mình vì bóng đá Việt Nam, phải làm rõ là họ có thể đem lại cái gì: “Tài chính là thứ mà các CLB không thể thiếu. Hiện nay, nhiều đội rất yếu tài chính. Phải có tiền đầu tư đào tạo, bán mua cầu thủ, các CLB mới mạnh được. CLB mạnh đương nhiên bóng đá sẽ phát triển. Anh vì bóng đá Việt Nam thì có thể mang lại bao nhiêu tiền ? Bóng đá chuyên nghiệp không phải là trò chơi hay trò đùa. Nó là chuyện kinh doanh. Làm thế nào để thu nhiều lợi nhuận nhất cho các CLB, đó mới là quan trọng”.
Với cách lập luận đó, ông Vinh nói đến “người trần mắt thịt” cũng có thể nhận ra ai vì bóng đá Việt Nam: “Tôi không hiểu VFF vì cái gì lại ra sức bảo vệ cho số tiền 6 tỷ đồng mỗi năm thay vì có thể nhận được 70 đến 100 tỷ trong ba năm”.
Tranh chấp bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa VPF với VFF và AVG được cho là sắp đến hồi kết, bởi các bên đã chịu ngồi lại thương lượng. Sau cuộc gặp với VPF ngày 20/2, AVG hứa sẽ trả lời các đề nghị hợp tác của VPF trong vòng 7 ngày.
Khoa Nguyễn