Ngân hàng tiền số Silvergate Capital ở California ngày 8/3 tuyên bố đóng cửa và tiến hành thanh lý tài sản. Theo CNBC, đây là một trong hai ngân hàng cho vay lớn nhất đối với các công ty tiền ảo, bên cạnh Signature Bank ở New York. FTX - sàn giao dịch tiền số đã phá sản - từng là khách hàng lớn của Silvergate.
Ngày 10/3, Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng chuyên cho startup vay, đã sụp đổ sau khi người gửi tiền hoảng loạn rút hơn 42 tỷ USD, khiến công ty mất thanh khoản.
Đến 12/3, Signature Bank cũng bị cơ quan quản lý đóng cửa. Theo số liệu tháng 9/2022, khoảng 25% tiền gửi của ngân hàng này là từ lĩnh vực tiền số.
Signature và Silvergate chuyên cấp vốn cho các công ty tiền số, trong khi gần một nửa số startup ở Mỹ, với nhiều quỹ đầu tư và công ty về tiền số, được cho là có mối quan hệ với SVB.
Giá Bitcoin và Ether vẫn tăng gần 10% trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, sự cố lại bộc lộ lỗ hổng của stablecoin - đồng tiền số ổn định giá. Theo CNBC, với điều kiện tài chính bất thường như hiện tại, chúng có thể xuống dưới mức giá trị cố định.
Stablecoin là tiền số được phát triển trên blockchain và có giá trị ổn định, được neo cố định theo giá trị của tiền pháp định, như USD hoặc Euro. Trên lý thuyết, một đồng stablecoin sẽ có giá tương đương một USD (tỷ lệ quy đổi 1:1), bất kể các loại tiền số khác trồi sụt như thế nào.
Tuy nhiên cuối tuần qua, niềm tin vào stablecoin bị lung lay khi USDC - đồng ổn định giá lớn thứ hai trong hệ sinh thái tiền số, đã mất mốc một USD. Có lúc, giá trị của nó giảm xuống còn 0,87 USD khi nhà phát hành Circle thừa nhận 3,3 tỷ USD đang bị mắc kẹt ở SVB. Ngoài ra, DAI, một stablecoin phổ biến khác được hỗ trợ một phần bởi USDC, cũng xuống mức 0,9 USD vào ngày 11/3.
Không ít nhà đầu tư đã vội vã hoán đổi USDC và DAI sang Tether (USDT), stablecoin lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 72 tỷ USD. Công ty phát hành của Tether không có mối liên hệ với SVB, nên các nhà đầu tư đang tìm đến những "đồng cỏ" an toàn hơn, dù hoạt động kinh doanh của Tether cũng bị nghi ngờ.
Trước đó, thị trường tiền số cũng vài lần xáo trộn khi stablecoin không còn ổn định, khởi đầu với sự sụp đổ của TerraUSD (UST) tháng 5/2022. Khi đó, UST của Do Kwon mất chốt một USD và lao dốc xuống 0,23 USD trong vài ngày, kéo theo sự sụp đổ của cả hệ sinh thái Luna.
Tháng trước, Binance USD (BUSD), stablecoin gắn với sàn tiền số lớn nhất thế giới Binance và do Paxos phát hành, đã chứng kiến một dòng tiền lớn chảy ra sau khi giới chức Mỹ siết chặt quản lý, yêu cầu dừng phát hành tiền số này.
Ngày 13/3, thị trường stablecoin hồi phục sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố đảm bảo khoản tiền gửi tại SVB cho các khách hàng. Tuy nhiên, theo CNBC, về lâu dài, việc đóng cửa ba ngân hàng có thể gây ra nhiều vấn đề cho Bitcoin, tiền số đang có giá trị vốn hóa thị trường 422 tỷ USD.
Trong đó, Silvergate Exchange Network (SEN) và Signet của Signature Bank là hai nền tảng thanh toán theo thời gian thực, được nhiều khách hàng của hai ngân hàng này sử dụng. Chúng cho phép thực hiện thanh toán 24 giờ/ngày, bảy ngày một tuần.
"Nói chung, tính thanh khoản của Bitcoin và tiền số sẽ bị suy giảm phần nào vì Signet và SEN là những chiếc chìa khóa để các công ty có được lượng tiền mặt vào cuối tuần", Nic Carter, nhà sáng lập quỹ Castle Island Ventures, nói. "Hiện có rất ít lựa chọn cho các công ty tiền số. Nói chung, lĩnh vực này sẽ bị hạn chế thanh khoản cho đến khi các ngân hàng khác tham gia".
Mike Brock, Giám đốc điều hành nền tảng phi tập trung TBD tại công ty Block, viết trên mạng xã hội Damus: "Silvergate và Signature là hai ngân hàng thân thiện nhất với Bitcoin, hỗ trợ phần lớn thanh khoản cho Bitcoin và hoạt động của các đối tác tại Mỹ".
Trong khi đó, Mike Bucella, nhà đầu tư và điều hành lâu năm trong lĩnh vực tiền số, nói nhiều người trong ngành đang chuyển hướng sang Mercury và Axos, hai ngân hàng đang cấp vốn cho startup. "Trong ngắn hạn, ngân hàng tiền số ở Mỹ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đối thủ có thể bù đắp cho sự chậm chạp này", ông nói.
Minh Hoàng (theo CNBC)