Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long (38 tuổi, quê Biên Hòa, Đồng Nai) là trưởng khoa Hóa học và Môi trường, trường Đại học Lạc Hồng. Cuối năm 2015 thấy trường Trung cấp Tây Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP HCM) tuyển sinh trung cấp Y sĩ y học cổ truyền, ông rủ một đồng nghiệp trong khoa làm hồ sơ đăng ký học tự túc.
"Tôi mê y học cổ truyền từ lâu mà chưa có dịp học. Học chương trình này ít nhất là mình có kiến thức về y học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình", ông Long chia sẻ.
Tiến sĩ hóa Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long lên Sài Gòn học trung cấp. Ảnh: Mạnh Tùng |
Lấy bằng kỹ sư ngành công nghiệp thực phẩm Đại học Bách khoa TP HCM (khóa 1996-2001), ông Long làm giảng viên trường Đại học Lạc Hồng. Sau khi hoàn thành khóa cao học trong nước, ông theo học khóa nghiên cứu sinh gần 4 năm ở Cộng hòa Séc trước khi được bổ nhiệm làm trưởng khoa.
Hơn một năm theo học y học cổ truyền, ông tích luỹ thêm nhiều kiến thức cho việc nghiên cứu, giảng dạy ngành công nghệ thực phẩm. Đặc biệt, kiến thức về dược liệu, thảo dược... giúp ông khá nhiều trong biên soạn giáo trình giảng dạy môn thực phẩm chức năng.
"Ngoài các thầy, tôi còn học được nhiều từ bạn học. Có nhiều người hiện là thầy thuốc có thâm niên, có cả một kho tàng các bài thuốc chữa bệnh", ông Long tỏ ra hào hứng, kể.
Đứng đầu khoa đào tạo cử nhân ngành công nghệ Sinh học, Môi trường, Thực phẩm; ông Long mong muốn các lứa sinh viên ra trường có phương pháp làm việc khoa học và tiếp cận được các công nghệ hiện đại trong ngành. Do đó, ngoài giờ dạy, ông thường đến các doanh nghiệp và khu công nghiệp trong tỉnh để đặt mối quan hệ cho sinh viên được đi thực tế hoặc thực tập.
Tiến sĩ Long trên giảng đường trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Ảnh: B.Đ |
Nói về việc mỗi cuối tuần đều chạy gần 50 km lên Sài Gòn học y, ông Long cười: "Tôi nghĩ học tập là công việc liên tục của mỗi người. Nó không bao giờ lãng phí, sẽ cho mình thêm một mảng kiến thức mới".
Trường trung cấp Tây Sài Gòn là một trong số ít những cơ sở đào tạo ngành y học cổ truyền tại TP HCM, hiện có 1.000 học viên. Ông Trần Văn Thanh (hiệu phó trường) cho biết, phần lớn học viên đều từ 40 tuổi trở lên, đang làm việc tại các phòng khám Đông y ở phía Nam.
"Nhiều học viên là những thầy thuốc cao tuổi, bác sĩ hay tiến sĩ như anh Long. Chúng tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ tinh thần ham học của họ", ông Thanh chia sẻ.
Mạnh Tùng