Ở tuổi 30, TS Phạm Hy Hiếu đang đảm nhiệm việc lên các ý tưởng và triển khai thử nghiệm ban đầu cho các dự án AI quan trọng tại "bộ não" của Google. Mối duyên với Google bắt đầu khi anh nộp đơn ứng tuyển năm 2012. Mặc dù vượt qua hết các vòng phỏng vấn, anh vẫn không được nhận. "Năm đó tôi không tìm được ai ở đây thích đề tài của mình nên tôi bị đánh trượt. Tôi cảm thấy đây là một quy định hết sức vô lý", anh chia sẻ về chính sách tuyển dụng tại Google.
Sang năm 2013, Google chủ động mời anh về làm việc nhưng Hiếu từ chối. Anh đã viết một lá thư gửi công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ. "Tôi nghĩ mình đã đóng góp một phần nhỏ vào việc thay đổi chính sách tuyển dụng của Google về sau".
Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2015, cùng lúc, Microsoft, Facebook, Google mời anh về làm việc. Nhiều người tưởng rằng anh sẽ từ chối Google vì mối "nợ" trong quá khứ, Hiếu quyết định nhận lời mời, về phát triển các ứng dụng của mạng neuron tại Google Brain.
"Tôi nhận lời làm việc ở Google vì nhận thấy tập đoàn biết lắng nghe góp ý. Họ đã thay đổi chính sách tuyển dụng ngay từ năm tôi được tuyển vào. Khi làm việc tại đây, tôi được công khai các nghiên cứu của mình để mọi người cùng biết, còn các công ty khác thì không", anh chia sẻ thêm về lý do lựa chọn.
Hai năm nghiên cứu không kết quả
Năm 2017, Google đã liên hệ với Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) thiết kế một chương trình đào tạo tiến sĩ liên kết, cho phép Hy Hiếu vừa làm nghiên cứu sinh vừa là một nhân viên của công ty.
Năm thứ nhất nghiên cứu tiến sĩ, Hy Hiếu đạt được những thành công đáng kể. Tưởng chừng con đường nghiên cứu tiến sĩ của anh suôn sẻ và thuận lợi, hai năm sau đó, Hiếu không công bố thêm được bất kỳ đề tài khoa học nào.
Hiếu kể, trung bình mỗi năm, nghiên cứu sinh tại Google sẽ công bố từ ba đến bốn đề tài mới, nhưng trong hai năm liền anh không công bố được công trình nào. Có giai đoạn Hiếu mất sáu tháng để làm ra một kết quả rất nhỏ, một tháng để thử nghiệm, nhưng sau đó phát hiện sai. "Đó là khoảng thời gian thật sự căng thẳng với tôi", anh nói.
Sau một thời gian, anh nhận ra dù nghiên cứu cái khó, phức tạp nhưng không có tính ứng dụng thực tiễn thì cũng không có kết quả. Học cách tư duy đơn giản đã giúp Hy Hiếu đạt được nhiều thành tựu trong những năm cuối nghiên cứu tiến sĩ tại Google. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon và xuất bản thêm 6 bài báo khoa học trong kỷ yếu của hội nghị khoa học quốc tế, tăng thêm 5.000 lượt trích dẫn cho các nghiên cứu.
Trong số các nghiên cứu đã công bố, đề tài ứng dụng AI giải các bài toán rời rạc, được Google ứng dụng giúp giảm chi phí dạy và học cho các chương trình AI xuống hàng nghìn lần - từ sử dụng 400 máy tính chạy trong một tháng, giảm còn một máy tính trong một ngày. Ứng dụng này còn giúp hạn chế sử dụng siêu máy tính, gồm hàng nghìn chip xử lý đắt tiền, cộng thêm hàng nghìn GB dữ liệu.
"Google đã thay đổi phong cách nghiên cứu của tôi", Hiếu nói. Trước đây anh luôn nghĩ trí tuệ nhân tạo là tập trung vào lý thuyết toán học, các phương trình, tích phân, bất đẳng thức... Ở Google, phong cách nghiên cứu là phát triển những ý tưởng đơn giản nhưng có thể sử dụng nhiều máy tính, từ đó dựa vào tính toán song song để tạo ra hiệu quả lớn. "Nhờ học theo phong cách này, bây giờ tôi làm mọi thứ đơn giản hơn", Hy Hiếu chia sẻ.
Việt Nam sẽ có những sản phẩm AI cạnh tranh với thế giới
Chứng kiến cuộc lột xác mạnh mẽ của ngành AI những năm qua, Hy Hiếu nhận thấy Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới vì có tiềm năng rất lớn về con người.
"Tôi từng chứng kiến nhiều người trẻ Việt ứng tuyển vào Google một cách dễ dàng. Các câu hỏi phỏng vấn hay bài kiểm tra của Google chưa bao giờ là quá khó với các ứng viên Việt Nam", anh nói.
Hiếu cho biết, anh đã đọc rất nhiều báo cáo khoa học của sinh viên Việt Nam và nhận thấy "chỉ ba đến 5 năm nữa Việt Nam sẽ có những sản phẩm AI chất lượng cao, để cạnh tranh với thế giới".
Nhưng để có được thành quả đột phá, Hiếu cho rằng, người trẻ cần được định hướng đúng để theo kịp sự phát triển chung của AI thế giới và có những hỗ trợ trong nghiên cứu. Đầu tiên là hỗ trợ về cơ sở vật chất, bởi người nghiên cứu tiếp cận và đọc hiểu được nguồn tài liệu của chuyên gia trên thế giới nhưng không đủ hệ thống máy tính để chạy thì cũng rất khó để tạo ra kết quả tốt.
Trong tương lai, Hiếu cho biết muốn tạo một chương trình trí tuệ nhân tạo hoàn thiện, thông minh có thể tương tác tự nhiên với con người. Anh cũng ấp ủ xây dựng và duy trì một cộng đồng AI trong và ngoài nước để trao đổi kiến thức, đóng góp thêm nhiều sáng kiến về trí tuệ nhân tạo.
Nguyễn Hạnh