Trong sách, tác giả không trình bày theo dạng chuyên mục để giảm tính hàn lâm. Ông nêu các vấn đề theo kiểu bài tập thực hành về tiếng Việt. Trong mỗi bài, tác giả đưa ra thực trạng, nguyên nhân và cách khắc phục. Tác giả nỗ lực trình bày nội dung bằng từ ngữ đơn giản để học sinh dễ hiểu, dễ khắc phục, còn người làm công tác chuyên môn vẫn có thể sử dụng như một tài liệu về ngôn ngữ.
Tác giả quan niệm quy luật của tiếp xúc ngôn ngữ là vay mượn. Kết quả của tiếp xúc là sự thay đổi bên trong của mỗi ngôn ngữ. Sự thay đổi dễ thấy nhất là ngữ âm và từ vựng. Yếu tố ngữ pháp chậm thay đổi nhất. Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, hơn hai phần ba là từ vay mượn, là kết quả của tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer... "Nếu không có sự vay mượn này, tiếng Việt sẽ không phong phú và trong sáng như hôm nay", ông viết.
Một thời gian, tác động của xã hội, truyền thông khiến nhiều bạn trẻ nói, viết sai tiếng Việt. Theo tác giả, mỗi người đều có những lúc viết hớ, nói ngọng, song những cái sai này chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp giữa người với nhau, không tác động nhiều đến đời sống ngôn ngữ cộng đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu những cơ quan có chức năng bảo vệ, phát triển và truyền bá ngôn ngữ mà sai, hậu quả sẽ khôn lường.
Theo quan sát của tác giả, vài chục năm qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng viết, nói và viết sai tiếng Việt nhưng nhưng hiếm cơ quan chức năng nào lên tiếng, cái sai cứ thế lan truyền trong cộng đồng. Theo ông, nên có luật ngôn ngữ để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. "Cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là lập pháp ngôn ngữ. Chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, không ai kiểm soát, cái sai trong sử dụng tiếng Việt còn tồn tại", ông viết.
Tác giả·Hồ Xuân Mai là cử nhân, chuyên ngành Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp TP HCM. Ông là tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học So sánh - Đối chiếu, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, khóa 2002 - 2006. Đến nay, ông đã xuất bản gần 10 cuốn sách, khoảng 60 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.
Tam Kỳ