Sáng 1/8, tiếp tục buổi hội thảo về cải cách giáo dục ĐH do Nhóm đối thoại giáo dục và Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức, nhiều học giả cho rằng các trường ĐH tư đang chết dần trong xu thế mới.
TS. Đàm Quang Minh - Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ - không ngần ngại chỉ ra rằng, ĐH ngoài công lập ở Việt Nam đang chết dần "vì cơ chế và sự kỳ thị của xã hội". Đến năm 2020 sẽ có nhiều trường tư thục sụp đổ, thậm chí cả trường công lập vì không có sinh viên.
Theo ông Minh, nhiều người cho rằng Việt Nam có rất nhiều sinh viên theo học ở các trường, song thực tế cho thấy chúng ta chỉ có 9,7% người dân có bằng cấp (đại học, cao đẳng trở lên), trong khi đó ở Thái Lan là 17%; Malaysia là 24% còn Mỹ là 65,4%...
"Tỷ lệ sinh viên của Việt Nam so với các nước thấp như vậy, nhưng có một nghịch lý đáng quan ngại là sinh viên Việt Nam sau khi ra trường thất nghiệp ở top cao của khu vực và thế giới. Điều này cho thấy việc đào tạo 'thầy' của chúng ta đang có vấn đề, thiếu cả số lượng và chất lượng", Tiến sĩ Minh nhấn mạnh.
TS. Đàm Quang Minh phân tích, không có đầu tư nào bất công như đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam khi trường tư thục phải cạnh tranh với trường công lập. Trong khi các trường công lập được cấp đất, cơ sở vật chất và chi phí khác thì trường tư thục phải tự lo hết những vấn đề này.
Về mặt xã hội, mọi người đều nhìn nhận trường tư thục là trường hạng hai, thậm chí nhiều cơ quan không tuyển sinh viên tốt nghiệp từ các trường này. Các nhà đầu tư khi bỏ tiền vào đại học lại tính đến lợi nhuận nhiều hơn là chất lượng giáo dục.
Bất cập nữa được vị tiến sĩ nêu ra là cơ chế quản lý, một bên là người bỏ vốn đầu tư trường còn một bên là bộ máy điều hành. Trong khi đó, khi phát sinh mâu thuẫn, HĐQT lại không có quyền cách chức hiệu trưởng. Điều này đã xảy ra ở trường Hùng Vương và mới đây là ĐH Hoa Sen. Theo ông Minh, thay vì xiết quá chặt quản lý với các trường tư thục thì hãy cởi trói cho họ được tự vận hành như một doanh nghiệp. Havard cũng là một đại học tư thục nhưng họ đã vận hành rất tốt và tự mang lại những giá trị khác biệt, hiệu quả đào tạo rất cao. Thậm chí, họ tự soạn giáo trình để giảng dạy chứ không phải đi theo một mô típ chương trình chung như ở Việt Nam.
"Trường ĐH cũng như một quán phở, nếu phở ngon thì ắt hẳn sẽ đông khách. Nếu chương trình đào tạo tốt thì ắt hẳn sẽ thu hút được người học", ông Minh ví von. "Nếu Việt Nam không mở cửa các cơ chế và các trường ĐH tư thục không tự cải cách thì sẽ chết".
Trước băn khoăn của đại biểu về việc "phải làm gì để tránh được sự sụp đổ của các trường đại học tư?", TS. Đàm Quang Minh cho rằng, tất cả ĐH đều là những thành tố giáo dục quan trọng. Cơ quan quản lý phải có chính sách phù hợp và công bằng hơn với ĐH tư.
"Các nhà quản lý hãy đầu tư vào sinh viên. Ở đâu có sinh viên ở đấy đều cần phải đầu tư, thay vì xem trường đó là công hay tư", ông Minh nói. "ĐH tư thục thường mạnh về đào tạo các ngành mang tính chất năng động, hiện đại... thì hãy để họ phát triển thế mạnh của mình. Còn các trường công lập thì giảm bớt đầu tư các ngành kinh tế, thay vào đó đầu tư vào các ngành mang tính chất phát triển lâu dài như nông nghiệp, kỹ thuật".
Tiến sĩ Minh cũng cho hay, một phần "cái chết tương tai" của ĐH tư thục còn bắt nguồn từ việc nhà đầu tư đã ảo tưởng khi nghĩ rằng kinh doanh giáo dục cũng như kinh doanh các lĩnh vực khác. Nhiều nhà quản lý xuất thân từ các trường công lập, họ mang theo tư tưởng về quyền hành nên dẫn đến những xung đột nội bộ.
Đồng quan điểm về tình trạng các trường ĐH tư thục có thể sụp đổ trong tương lai, song ông Nguyễn Xuân Thành - Cán bộ nghiên cứu cao cấp tại trường ĐH Havard - lại cho rằng nguyên nhân là vì các trường ĐH tư nói riêng (và toàn bộ hệ thống ĐH ở Việt Nam nói chung) không muốn thay đổi.
"Các trường muốn sống theo quy chế để được an toàn. Chỉ khi nào có áp lực từ xã hội, phụ huynh hay báo chí phản ánh họ mới nghĩ đến việc thay đổi", ông Thành nói và khẳng định Havard chính là ĐH phi lợi nhuận tốt nhất thế giới hiện nay và các trường có thể tham khảo mô hình phát triển của họ.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng các trường có rất nhiều quyền tự chủ, nhưng vấn đề là họ có muốn thay đổi hay không. "Như anh Thành đã nói, ĐH tư thục họ cũng muốn dựa vào các quy chế của nhà nước để hoạt động được an toàn và khi có sai phạm thì đổ trách nhiệm cho các quy chế đó. Về phía Bộ Giáo dục đã làm hết trách nhiệm để cho các trường được tự chủ", Thứ trưởng khẳng định.
Cũng tại hội thảo, bà Karen Hamilton Nguyễn - Trưởng phòng hợp tác quốc tế ĐH Bình Dương - nêu thực trạng học sinh, sinh viên học chỉ để lên lớp hoặc thi cho đậu chứ không vì mục đích phát triển bản thân. "Chúng tôi vào lớp thấy sinh viên rất vô trách nhiệm. Các em chủ yếu học chứ không thấy hành, không thấy được trách nhiệm phát triển bản thân mình", bà Karen Hamilton Nguyễn đúc kết sau hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam.
Vấn đề này, theo bà Nguyễn, trách nhiệm thuộc về người dạy, bởi ngay từ nhỏ học sinh đã quen với cách chỉ học thuộc bài. Giáo viên cần phải định hướng cho học sinh, chọn học sinh làm trung tâm, để phát triển khả năng và tố chất cho từng em chứ không nên cào bằng như hiện nay.
Phát biểu cuối hội thảo, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng nền giáo dục ĐH của Việt Nam tồn tại rất nhiều vấn đề. "Khuôn khổ cuộc Hội thảo không thể giải quyết được hết tồn dư của nền giáo dục ĐH Việt Nam. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục đặt ra các vấn đề, tổng kết rồi kiến nghị lên Bộ Giáo dục để có được hướng tốt nhất cho nền giáo dục nước nhà", GS. Châu nói.
Nguyễn Loan