Mức án đề nghị được đại diện VKS công bố chiều 21/4, sau 3 ngày xét hỏi. Ông Phạm Thanh Hải, 56 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều 139, Bộ luật Hình sự 1999.
VKS đánh giá hành vi của bị cáo nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người, song chưa thực sự thành khẩn.
Sau khi VKS công bố bản luận tội, ông Hải tự bào chữa hơn 40 phút, cơ bản khẳng định không lừa đảo mà "chỉ muốn lan toả ước mơ và những bài học kinh doanh". Các dự án đầu tư, theo ông, đều có khả năng sinh lãi nhiều tỷ USD.
Ông nói trước khi bị bắt, tất cả khoản đầu tư vào 20 công ty, dự án và cả Công ty IDT đều đang hoạt động rất tốt. Ông nhận thức nếu tiếp tục huy động vốn và có nhiều nhà đầu tư tham gia hơn nữa có thể sẽ vi phạm pháp luật nên dự kiến chấm dứt vào cuối 2015, chuyển sang mua cổ phần của môt số doanh nghiệp, sử dụng các phương thức hợp tác đầu tư chuyên nghiệp hơn.
Bị cáo cho rằng chưa bao giờ quảng bá IDT đang đầu tư vào các dự án lãi suất cao, chỉ nói đang triển khai mà không đề cập lãi suất. "Các dự án đều có thật", ông khai.
Qua hai ngày xét hỏi, bị cáo Hải cho rằng việc nhận tiền của 2.700 tỷ đồng của hơn 570 bị hại là thoả thuận dân sự giữa các cá nhân mà pháp luật không cấm, do đó không phạm tội như cáo buộc. Ông nói không ép buộc xúi giục, "thậm chí còn cảnh báo đó là hình thức đầu tư rủi ro; nếu chỉ vì lãi suất thì không nên đầu tư".
"Tôi chỉ nhận vốn uỷ thác để đầu tư", tạo cơ hội cho mọi người, tất cả đều có lợi, bị cáo khai.
Viện dẫn hợp đồng ghi rõ mình không có trách nhiệm thông báo cho nhà đầu tư việc sử dụng tiền thế nào, bị cáo cho rằng chỉ có nghĩa vụ duy nhất là trả lãi đúng hạn. Ông phủ nhận đã "chèo kéo, xúi giục, hứa hẹn" nhà đầu tư vì "rất bận làm dự án".
Phủ nhận cáo buộc 9 dự án tỷ USD mình vạch ra đều lỗ, ông Hải tự tin khai "đúng lúc sắp sinh lời thì bị bắt" và đảm bảo nếu được tự do, mỗi dự án có thể sinh lời một tỷ USD mỗi năm.
87 trong 576 bị hại có mặt tại toà theo uỷ quyền của những người còn lại khi được trình bày quan điểm đã chia hai luồng ý kiến: muốn đòi lại tiền hoặc xin "tự dàn xếp" với bị cáo do "tin tưởng tuyệt đối" ông Hải.
Từ khi ông Hải bị bắt đến nay, vụ án đã kéo dài 8 năm. Tháng 5/2018, ông Hải bị cấp sơ thẩm tuyên tù chung thân. Toà phúc thẩm một năm sau tuyên huỷ án, điều tra lại số bị hại và thiệt hại, xác minh đồng phạm.
Cáo trạng mới nhất ra tháng 11/2022 vẫn xác định ông Hải là bị cáo duy nhất. Ông thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty IDT từ năm 2007, hoạt động trong dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc kinh doanh không hiệu quả, một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.
Trong các buổi học này, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Liên Xô, có tài đầu tư, kinh doanh. Ông nói IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỷ đô" macca, có siêu dự án... Ai góp vốn sẽ được trả lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.
Theo VKS, hợp đồng đều sử dụng con dấu của IDT song thực chất là góp vốn cho cá nhân ông Hải. Việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho nhà đầu tư biết.
Ông Hải được xác định chỉ dùng 99 tỷ đồng trong hơn 2.700 tỷ đồng huy động được (tức 3,6%) để góp vào 9 dự án "chưa có lợi nhuận, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao", theo VKS. Ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các "nhà đầu tư" này, tổng hơn 576 tỷ đồng là thiệt hại vụ án.
Phiên toà đang tiếp tục với phần bào chữa của 8 luật sư cho ông Hải.
Thanh Lam