- Nhiều doanh nghiệp lớn gần đây công bố việc rót vốn vào nông nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
- Sau một thời gian trầm lắng, kinh tế thế giới và Việt Nam có tín hiệu phục hồi. Nhiều công ty xuyên quốc gia cũng như trong nước coi đầu tư vào nông nghiệp là triển vọng, vì họ cho đây là hướng đi bền vững, mạnh khỏe. Riêng với Việt Nam, mặc dù quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm song việc dòng vốn đang chuyển hướng từ nền kinh tế ảo (bất động sản, tài chính…) vào nông nghiệp cho thấy xu thế chuyển sang nền kinh tế thật. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng.
- Tại sao đến lúc này, nông nghiệp mới thu hút được nhiều đại gia trong nước quan tâm?
- Nông sản giá cao, ổn định là triển vọng mà họ nhìn thấy. Nó thu hút luồng vốn ứ đọng trong nhiều nền kinh tế sau khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ chú ý đầu cơ hiện cũng hướng quan tâm vào nông nghiệp - lĩnh vực từng được xem làm ăn nhỏ, lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Thực ra xu hướng này đã có ở Việt Nam từ trước. Một số đại gia nhạy bén, nhanh chân đi trước cũng đã thu lợi nhuận khá như: TH True milk, Vật tư bảo vệ thực vật An Giang, Giống cây trồng Thái Bình, Phân bón Bình Điền… Tuy nhiên, gần đây, việc đầu tư mới thành xu hướng.
Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam đạt 31 tỷ USD. Phần đem đi xuất ngoại chiếm khoảng một nửa hàng hóa của nông dân làm ra cho thấy nền kinh tế đang rất mở và thị trường tác động đến từng thửa đất ở nông thôn. Chưa kể đến Việt Nam đang trong những ngày cuối cùng đàm phán của 6-7 hiệp đinh tự do thương mại. Các doanh nghiệp trong nước có thể hành xử chậm hơn, quy mô nhỏ hơn nhưng họ đang có thái độ hội nhập giống như giới doanh nhân thế giới.
- Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp nội chỉ tâp trung vào lĩnh vực có ưu đãi, thu lợi nhuận nhanh như chăn nuôi, trồng trọt. Còn các mảng khác như thủy sản, lâm nghiệp... vẫn chưa thu hút được vốn?
- Phải nói rằng nông nghiệp là lĩnh vực mới mẻ, nhiều bỡ ngỡ với các doanh nghiệp trong nước hiện nay. Do vậy, họ phải tiến vào địa bàn ăn chắc nhất và thu hồi vốn thuận lợi nhất. Có nhiều lý do để doanh nghiệp phải bước đi thận trọng.
Cà phê là mặt hàng có lợi nhuận nhanh, các doanh nghiệp xuyên quốc gia làm chủ thị trường quốc tế và bao trùm lĩnh vực rang xay nên trước đây Việt Nam thu hút khá nhiều dòng vốn FDI. Trong khi ngành lúa gạo, thậm chí không có bóng dáng một doanh nghiệp nước ngoài bởi thị trường và cuộc chơi quản lý xuất khẩu giữa họ với đối trọng là các doanh nghiệp Nhà nước không thuận lợi, khiến không ít nhà đầu tư dời bỏ hai mặt hàng này.
Trong khi đó, với những địa bàn có cơ sở hạ tầng khó khăn, chính sách không thuận lợi như lâm nghiệp, mặc dù hiện các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đổ vốn vào khâu chế biến nhưng họ chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ nhập từ nước ngoài, không trực tiếp trồng rừng chủ động vùng nguyên liệu. Do vậy, theo tôi khu vực nào có yếu tố thị trường lành mạnh để doanh nghiệp có thể phát huy lợi thế thì chắc chắn họ chẳng né tránh.
- Đầu tư nông nghiệp yếu tố cần nhất là quỹ đất lớn, song thực tế doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian để thực thi dự án chỉ vì không đủ đất. Vì sao vậy thưa ông?
- Một trong những điểm khác biệt giữa đầu tư công nghiệp và nông nghiệp giữa kinh tế đô thị và nông thôn là quỹ đất. Đã là làm nông nghiệp phải có quỹ đất lớn chưa kể kèm theo cơ sở hạ tầng giao thông... Song, thực tế chính sách đất đai tại Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi, trăn trở xoay quanh vấn đề quản lý sử dụng, quy mô, phương thức thu hồi, quy hoạch, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.
Chính sách chưa tạo sân chơi thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn có đất phải đàm phán từng hộ nông dân để mua lại quyền sử dụng đất. Khi họ có trong tay hàng chục thậm chí hàng trăm sổ đỏ họ phải làm việc với chính quyền địa phương thuê lại phần diện tích đó. Theo tôi đây là điều cực kỳ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp cũng không thể cầm cố đất đai để vay vốn. Như vậy cả mục đích sử dụng và giá trị tài sản đều không thuận lợi khi họ muốn đầu tư. Do đó chính sách đất đai cần điều chỉnh rất nhiều để hỗ trợ nhà đầu tư vào nông nghiệp.
- Còn nông dân, họ được hưởng lợi được gì từ đầu tư của các doanh nghiệp?
- Con đường vào thị trường là điều mà nông dân không thể tự mình mở mang. Nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng hóa lớn. Lúc này nông dân cần nhiều vốn để mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Người nông dân rất cần áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất. Nhất là cần kết nối với thị trường để biết được nhu cầu, giá cả.
Ba yếu tố đó là vốn, khoa học công nghệ và thị trường đem lại cho nông dân thông qua dòng vốn của nhà đầu tư. Đó là giá trị gia tăng quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đem lại cho người nông dân.
- Hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn, theo ông làm thế nào để thu hút nhiều vốn vào ngành?
- Câu chuyện thu hút thêm các nhà đầu tư vào nông nghiệp không nằm trong năng lực của riêng ngành này. Doanh nhân ai cũng muốn đầu tư vào chỗ lợi nhất, an toàn nhất. Song nếu nhìn từ phía doanh nhân những khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa khu vực nông thôn với thành thị, công nghiệp với nông nghiệp thì dễ dàng thấy được những điều chúng ta cần phải bù đắp.
Theo tôi, đầu tiên phải là cơ sở vật chất nhất là giao thông, cấp điện, không được chênh nhau giữa các vùng. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ đất đai và cho doanh nghiệp được ưu đãi mà họ đáng được hưởng theo qui định.
Mới đây, tại buổi gặp mặt giữa các nhà đầu tư nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp than phiền họ không được miễn thuế cho dù áp dụng công nghệ cao để trồng hoa, chiết xuất collagen từ sụn cá tra. Hay một doanh nghiệp làm nước chanh leo tại Nghệ An cho biết chi phí vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An trong 3 năm đủ để xây dựng một nhà máy mới. Qua đó để thấy những mong mỏi chính đáng và thiệt thân của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Thành Tâm