Cơ duyên đưa tiến sĩ Nguyễn Như Cường đến với bà con là vụ hè thu 2006, nông dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng trước bệnh vàng lùn xoắn lá do rầy nâu nhiễm bệnh lan truyền cho lúa. Viện Bảo vệ thực vật cử một nhóm nhà khoa học do tiến sĩ Nguyễn Như Cường dẫn đầu vào đồng bằng Nam bộ xây dựng một mô hình phòng chống bệnh cho lúa đông xuân. Cường và các đồng nghiệp đã cắm trại tại ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để ngăn chặn rầy nâu từ cửa ngõ của đồng bằng.
TS Cường (thứ hai từ phải sang) với nông dân ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: SGGP. |
Không có địa điểm, các anh cắm trại ngay tại một ngôi nhà đang làm dở ở cụm tuyến dân cư vượt lũ, trải chiếu ngủ dưới đất. Trước nhà treo một tấm biển lớn “Điểm giải đáp miễn phí bệnh vàng lùn xoắn lá và rầy nâu”. Nông dân ùn ùn kéo đến nghe tiến sĩ Cường giải đáp về phòng chống bệnh cho lúa. Vì vụ hè thu trước đó nhiều gia đình đã mất trắng. Ngay vụ đông xuân này, có 14 ha trong xã Mỹ Phú đã gieo sạ phải hủy vì vàng lùn xoắn lá.
Nhìn các nhà khoa học tối nằm đất, ngày lội ruộng, chiều về lại không có nước tắm, ăn uống thất thường, bà con rất ái ngại. Có người nói: “Không khéo các anh chịu không nổi, bỏ cuộc về Bắc thôi!”. Nhưng rồi lúa đã trên 30 ngày tuổi, chưa thấy dấu hiệu của vàng lùn xoắm lá, Cường và đồng nghiệp vẫn miệt mài trên đồng ruộng, đo đạc, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa, phun xịt thuốc đúng ngày, đúng cách...
Nông dân Huỳnh Văn Tam nói: “Từ hôm cán bộ phân tích con rầy ra sao, phun thuốc ra sao... chúng tôi biết là đã thắng rồi. Không có cán bộ, thất thu như vụ trước đến 70% thì đến phải bỏ xứ!”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Như Cường tâm sự: “Trong này bà con nhiều ruộng hơn ngoài Bắc, ham hiểu biết và thật vui vẻ!”.
Sau Tết vừa qua, người dân tổ chức múa lân trên con lộ, bên mô hình 78,5 ha phòng chống bệnh vàng lùn xoắm lá ở ấp 4. Lúa chín vàng ươm, thứ lúa nếp mà rầy nâu thích nhất! Mô hình đã đạt bình quân 8,64 tấn/ha, có ruộng đạt đến 9,75 tấn, năng suất cao chưa từng có ở ấp 4. Các hộ ai theo mô hình cũng được mùa lớn.
Thắng ở Vĩnh Long, tiến sĩ Cường lại có mặt ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Đây là vùng sâu, nhiễm mặn, 99% đồng bào Khmer có trình độ canh tác thấp. Nói như Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật tỉnh người Khmer Kim Xê thì: “Bà con gieo sạ mà chẳng biết giống lúa gì, ai sạ trúng thì làm theo...”. Mời tiến sĩ Cường về xã lập mô hình phòng chống bệnh, địa phương đặt nhiều hy vọng sản xuất lúa giống cho vụ đông xuân.
Trong cuộc họp của bà con nông dân Khmer ở ấp Cầu Tre để bàn về xây dựng mô hình phòng chống bệnh vàng lùn xoắn lá, “già làng” Thạch San, 68 tuổi, giải thích: “Đưa ruộng vào mô hình chống bệnh, làm ăn theo khoa học kỹ thuật, có cán bộ về giúp sức để không bị ruộng thất trắng như hai vụ trước”. Tiến sĩ Cường ngồi trên nền nhà đối diện với “già làng” Thạch San, tay cầm cây bút ghi chép, cuối cùng anh phát biểu giản dị: “Anh em chúng tôi về đây chỉ có một mục đích là làm cho bát cơm của bà con đầy hơn…”.
TS Cường (áo kẻ đen trắng) trong cuộc họp với bà con Khmer ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh (vụ hè thu 2007). Ảnh: SGGP. |
Từ lúc đó tiến sĩ Cường ở lại ấp Cầu Tre, ngày lội ruộng, tối đi từng nhà hướng dẫn bà con xử lý giống, cách bơm ngọt từ mương máng vào ruộng, đắp bờ giữ nước ngọt khi trời mưa, bón phân tổng hợp, dặm tỉa làm lúa đẻ nhánh tốt hơn, phòng trừ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu phao đục bẹ...
Kiến thức của tiến sĩ cộng với sự hăng hái và cần cù, chịu cực... đã chinh phục được bà con nông dân Khmer. Từ chỗ thấy khó không tin, bà con đã theo hướng dẫn của nhóm cán bộ do Cường chỉ huy. Hằng đêm Cường bồn chồn ra sân ngắm trăng sao, xem thời tiết, anh lẩm bẩm tính toán thời vụ... Bà con đồn rằng tiến sĩ chân đất này còn biết niệm thần chú “cầu mưa khấn gió”. Và mưa đến thật! Mưa trút xuống nước vàng nước bạc cho cây lúa ấp Cầu Tre “mở cờ” đi lên!
Những người am hiểu ngành bảo vệ thực vật thì biết tiến sĩ Cường đang đứng trước sự chọn lựa rất gay gắt để vượt lên chính mình và mở đường cho một cung cách bảo vệ thực vật chất lượng cao đang cần có ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh kiên quyết không phun thuốc trừ sâu khi mật độ rầy nâu chưa đến mức phải phun thuốc, bảo vệ môi trường ở mức cao nhất. Nếu muốn rảnh rang, tiến sĩ Cường chỉ cần ra lệnh phun thuốc “phòng ngừa” trước! Như thế tốn phí cho bà con và cũng không thân thiện với môi trường...
Bây giờ thì 110 ha trong mô hình của tiến sĩ Cường lúa tốt bời bời. Bí thư Đảng ủy xã Phú Cần, một xã có tới 8 ấp, trên 2.000 ha đất nông nghiệp, vui mừng nói: “Lúa hè thu trong mô hình năm nay ước tính 5 tấn/ha, rất cao. Ngay vụ này bà con đã đến mượn máy sạ hàng, học cách sạ giống, bón phân của cán bộ... Tuyệt vời lắm!”.
Tiến sĩ Cường phải về Hà Nội gấp vì ông thày Hàn Quốc Kyu Tek Park của anh mới bay sang. Ông đang tham gia một đề tài khoa học về phân loại côn trùng trên thế giới và phụ trách tiểu phần ở Việt Nam, Lào. Ông cần sự hợp tác của tiến sĩ Cường. Bà con Khmer ấp Cầu Tre rất lưu luyến, mong anh sớm quay về ấp... Tiến sĩ Cường nói: “Xong việc, anh sẽ về ngay ấp Cầu Tre để còn hướng dẫn bà con thu hoạch lúa và chống thất thoát sau thu hoạch!”.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)