London Symphony Orchestra, dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới từng đoạt giải Oscar vừa có đêm nhạc ngoài trời ngày 5/10 tại Hà Nội. Được xem là loại nhạc bác học, hàn lâm, những nốt nhạc của London Symphony Orchestra vẫn có sức "quyến rũ" đông đảo công chúng. Phố đi bộ Hồ Gươm buổi tối hôm đó không còn một chỗ trống, cả ở trong sân khấu chính hay trước các màn hình lớn đặt bên ngoài, hàng nghìn người yên lặng lắng nghe từng bản nhạc. Xen kẽ là những tràng pháo tay có lúc tưởng chừng không dứt.
Nhận xét về hiện tượng này, nghệ sĩ violin Chương Vũ nhận định đêm nhạc là minh chứng về một lớp khán giả mới của nhạc giao hưởng đang được định hình tại Việt Nam.
Ông Chương Vũ - Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn Violin. Ông là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn violin tại Mỹ. |
- Theo quan sát của ông, dòng chảy nhạc giao hưởng đang đi như thế nào giữa sông lớn âm nhạc Việt Nam?
- Cùng với sự hội nhập, phát triển kinh tế, bức tranh giáo dục, văn hoá của Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều bước chuyển vượt bậc. Đi cùng với đó là các chương trình lớn giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới. Âm nhạc không nằm ngoài xu hướng.
Bên cạnh âm nhạc dân gian truyền thống, âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn hoạt động thường xuyên bởi các nghệ sĩ tâm huyết trong nước. Ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, các nghệ sỹ quốc tế, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài về đóng góp, biểu diễn tại Việt Nam, theo tôi cũng là tín hiệu rất khả quan. Đó không chỉ là sự tận tâm và cống hiến cho âm nhạc cổ điển mà còn là sự đóng góp, trách nhiệm của cá nhân mỗi nghệ sĩ, chung tay tạo nên một tổng thể phong phú, đa dạng hơn cho nền âm nhạc.
Đêm nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 tối 5/10. Ảnh: Giang Huy |
- Là người hoạt động âm nhạc ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận của công chúng yêu thích nhạc giao hưởng?
- Nghệ thuật hàn lâm hiện nay đã không còn khó tiếp cận như quan niệm trước đó. Như sự trở lại của London Symphony Orchestra tại Hà Nội lần này, đây là cơ hội tuyệt vời dành cho công chúng yêu thích nhạc giao hưởng. Có thể coi là một sự kiện đặc biệt giàu ý nghĩa đối với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc giao hưởng Việt Nam nói riêng.
Quan điểm của tôi là nghệ thuật kinh điển hay bất kỳ loại nghệ thuật nào khác đều phải thông qua sự học hỏi, hướng dẫn, và tìm hiểu thì mới có thể hình thành tính thẩm mỹ và sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Nhiều người xem dàn nhạc giao hưởng ngoài đường phố hoặc các loại hình nghệ thuật khác ban đầu có thể chỉ do tò mò, sau đó qua tiếp xúc và cảm nhận họ có thể tìm hiểu sâu hơn.
- Từ lần trình diễn của năm trước đến Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 ông suy nghĩ gì về những lớp khán giả mới nghe hòa nhạc giao hưởng?
- Cá nhân tôi, được nghe London Symphony Orchestra trình diễn tại Hà Nội, đã cảm thấy bất ngờ, phấn khích và tự hào bởi lẽ các dàn nhạc hàng đầu thế giới thường rất chọn lọc trong việc lựa chọn các địa điểm biểu diễn.
Hà Nội là trung tâm nghệ thuật lớn của cả nước. Việc tiếp nhận những chương trình nghệ thuật đỉnh cao sẽ tăng thêm giá trị hiểu biết và thưởng thức của cả giới âm nhạc chuyên nghiệp lẫn quần chúng yêu nhạc. Tôi cảm nhận được tình yêu của lớp khán giả mới không chỉ ngồi trước sân khấu chính mà còn xem chương trình qua các màn hình lớn, trong đó phần đông là người trẻ. Thẩm mỹ thưởng thức được xây dựng từ sớm có ý nghĩa với sự phát triển của nhạc giao hưởng nói chung tại Việt Nam.
Không chỉ biểu diễn, các nghệ sỹ của dàn nhạc sẽ giảng dạy những lớp học nâng cao cho các học sinh, sinh viên khoa Dây và khoa Kèn Gõ của Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Thông qua những hoạt động này các em sẽ được tiếp xúc và học hỏi từ những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới, những người có thể khơi gợi niềm đam mê học hỏi.
Như vậy, bằng nhiều cách, chính nhạc giao hưởng đang xây dựng lớp công chúng riêng cho mình.
Đêm nhạc thu hút hàng nghìn khán giả, với những tràng pháo tay giữa các bản nhạc. Ảnh: Giang Huy |
- Ông nhận định thế nào về việc đưa nhạc giao hưởng- âm nhạc bác học trình diễn ở những địa điểm công cộng?
- Cùng với sự thay đổi và tìm tòi trong cách thức biểu diễn, để ngày càng thu hút được nhiều khán giả đến với âm nhạc bác học, theo tôi đây là một cách làm ý nghĩa. Trên thế giới các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng, hàng năm đều có nhiều chương trình hoà nhạc ngoài trời nhằm mục đích phục vụ đông đảo quần chúng.
Các chương trình được trình diễn tại địa điểm công cộng, hay công trình văn hoá ngoài trời, nơi mà đã có sẵn lượng lớn khán giả tương tác thì âm nhạc vang lên như một món quà, một sự thưởng thức bất ngờ và là một sự trải nghiệm thú vị đối với mọi người.
Với London Symphony Orchestra, họ phấn đấu mang âm nhạc tuyệt vời đến với càng nhiều khán giả càng tốt. Mỗi năm dàn nhạc có hơn 140 buổi biểu diễn trong và ngoài nước, phục vụ hàng trăm nghìn lượt khán giả. Họ xứng đáng là đại diện xuất sắc của nghệ thuật giao hưởng, với sự cống hiến không mệt mỏi để đem lại cho khán giả sự tìm tòi và yêu thích đối với âm nhạc nói chung và nhạc giao hưởng nói riêng.
Thực tế tại Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018, tôi thấy cả nghệ thuật trình diễn và thưởng thức đều là sự rung cảm từ trái tim, cảm nhận của mỗi người trong hoàn cảnh cũng như cảm xúc khác nhau. Dù nghe thêm nhiều âm thanh đường phố trong lúc trình diễn, khán giả và các nghệ sỹ đều có thể có cảm nhận đó là trải nghiệm mới, sự giao lưu hiển hiện giữa dòng chảy hiện đại xen giữa những trầm bổng của các giai điệu kinh điển.
- Sự kiện đưa nhạc giao hưởng ra khỏi khán phòng đến với công chúng như Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, dự án Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh là Việt hóa và phổ lời cho nhạc giao hưởng, hay thổi hồn âm nhạc dân gian vào nhạc cổ điển giao hưởng, ông đánh giá thế nào về những hướng đi này?
- Việc kết hợp âm nhạc cổ điển với các thể loại khác hoàn toàn không sai lệch trên phương diện học thuật. Nhiều nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại, đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian vào tác phẩm của mình, để tạo ra yếu tố quen thuộc thu hút người nghe. Ca sĩ Mỹ Linh Việt hóa hoặc phổ lời cho các bài nhạc giao hưởng là một sáng tạo đầy ý nghĩa.
Hiện nay, nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển quan tâm tới các vấn đề xã hội và từ đó tìm cách thu hút công chúng đến với âm nhạc nhiều hơn. Họ tham gia thảo luận với nhau về cách làm trẻ hóa âm nhạc cổ điển, tiếp cận khán giả theo cách thức thân thiện hơn, tạo điều kiện cho khán giả được “sống” với tác phẩm và buổi biểu diễn một cách chân thực hơn nữa.
Đưa nhạc giao hưởng ra công chúng như Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert rất đáng được trân trọng và khích lệ. Tôi mong Việt Nam sẽ trở thành một địa điểm dừng chân lý tưởng của các nghệ sĩ lừng danh và nhiều dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới.
Nghệ sĩ Violin Chương Vũ hiện là concertmaster của Dàn nhạc giao hưởng San Angelo và VASCAM Ensemble. Anh đã giữ cương vị concertmaster khách mời của các dàn nhạc giao hưởng Irving, Monroe, Wichita Falls và Vietnam Classical Players. Anh thường xuyên được mời biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng Dallas, Dàn nhạc Opera Dallas, Dàn nhạc giao hưởng Fort Worth và Dàn nhạc thành phố Oklahoma, cùng nhiều dàn nhạc khác. Chương Vũ là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn violin tại Mỹ. Tiến sĩ Chương Vũ hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Texas ở Arlington. Được nhạc sĩ Yehudi Wyner, người từng đoạt giải thưởng sáng tác Pulitzer, ca ngợi có phong cách chơi đàn “tinh tế và giàu chất thơ”, Chương Vũ đã biểu diễn với tư cách là một nghệ sĩ độc tấu và hòa tấu thính phòng khắp Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á với vốn tiết mục âm nhạc từ tiền cổ điển đến đương đại. |
Dương Dung