Trên Douyin (TikTok phiên bản nội địa Trung Quốc) dịp đầu năm, không ít người sáng tạo phương pháp tiễn nghèo đói, đón Thần tài. Chẳng hạn, một số người viết chữ "nghèo" lên cát, chờ sóng tới cuốn "nghèo" đi. Có người viết chữ lên máy bay giấy, sau đó ném máy bay giấy đi xa. Theo Sohu, tập tục có từ thời cổ đại, thường diễn ra dịp đầu năm âm lịch nhằm tiễn đói khổ khỏi nhà, thể hiện hy vọng tống cựu nghinh tân, mơ ước về cuộc sống đủ đầy, êm ấm.
Nguồn gốc tập tục tiễn quỷ nghèo được lý giải bằng truyền thuyết ghi chép trong cuốn Tuế thời tạp ký của tác giả Trần Nguyên Lượng, thời Tống. Truyền thuyết kể vợ của Huyền Đế sinh một hoàng tử, dù thân phận cao quý, hoàng tử có tính kỳ quặc là chỉ mặc áo quần rách. Kể cả khi may cho hoàng tử quần áo mới, chàng cũng xé rách rồi mới mặc. Hoàng tử qua đời vào tháng giêng âm lịch, khi chôn cất chàng, người trong cung đều nói "tiễn hoàng tử nghèo". Câu chuyện lan truyền, dần dần thành tập tục tiễn nghèo đói trong dân chúng.
Một truyền thuyết khác kể trước đây có đôi vợ chồng nghèo, sống trong gian nhà tranh tả tơi. Người chồng bèn để vợ kết hôn với kẻ khác để có cái ăn cái mặc. Sau khi lấy chồng mới, người vợ nghĩ cách cứu chồng cũ. Nàng giấu ngân lượng trong bánh nếp, đưa cho anh. Người chồng mang bánh về nhà, qua sông, không có tiền trả cho phu đò, anh bèn trả bánh thay tiền. Một thời gian sau, người chồng lại tìm vợ cũ xin tiếp tế, vợ cũ nói đã nhét ngân lượng trong bánh. Anh chồng kinh ngạc, kể sự tình với vợ cũ. Nàng tức giận, mắng: "Cái đồ quỷ nghèo".
Sau đó, anh chồng trốn trong kho củi nhà vợ cũ, lạnh quá mà chết. Người vợ sợ bị phát hiện vẫn liên hệ với chồng cũ, bèn đốt nhà kho, đem tro rải xuống sông. Hàng xóm hỏi lý do, người vợ đáp: "Tôi tiễn quỷ nghèo".
Nhiều thư tịch cổ ghi chép về tập tục tiễn quỷ nghèo. Chẳng hạn, cuốn Kinh sở tuế thời ký ghi thời Nam Bắc Triều (420-589), người dân thường tiễn quỷ nghèo vào ngày cuối cùng của tháng giêng. Tới thời Đường, nhiều văn sĩ miêu tả tập tục này trong tác phẩm văn học. Ở bài Tiễn nghèo ngày cuối tháng, nhà thơ Diêu Hợp viết: "Ngày này hàng năm, hắt rượu xuống đường, nhà nhà người người, không ai không tiễn nghèo". Tuy nhiên, Diêu Hợp cũng ái ngại vì "tiễn nghèo mà nghèo chẳng chịu đi".
Nhà văn kiệt xuất thời Đường, Hàn Dũ, từng viết bài Văn tiễn nghèo, hư cấu hai nhân vật chủ nhân và quỷ nghèo. Đầu năm, chủ nhân sai nô bộc chuẩn bị lễ vật tiễn quỷ, quỷ nghèo biết bị đuổi, nói với chủ nhân: "Tôi theo ông bốn chục năm, không rời nửa bước. Người ta hắt hủi ông, chỉ có tôi trung thành gắn bó, chưa từng phản bội, sao ông lại đuổi tôi đi?".
Nghinh Xuân