- Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao vừa hiến tặng nhạc và lời Tiến quân ca. Ông có cảm nhận gì về sự kiện này?
- Tiến quân ca là một trong những bài hát tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp duyệt làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1946, Quốc hội chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Hơn 70 năm qua, tác phẩm này đã gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn bó và tạo thành kỷ niệm sâu đậm với nhiều thế hệ người Việt Nam.
Mỗi lần Tiến quân ca vang lên trong những thời khắc thiêng liêng, tinh thần yêu nước lại dâng trào. Tôi được nghe những người lính kể rằng giai điệu bài Tiến quân ca đã tiếp thêm cho họ sức mạnh trước mỗi trận đánh khốc liệt. Với tôi, nhạc và lời ca khúc đã thân thuộc từ thủa nhỏ, qua bao thay đổi của thời cuộc, nay tuổi đã cao nhưng tôi vẫn không khỏi xúc động mỗi khi cùng mọi người hát vang Quốc ca trong các sự kiện lớn.
Vốn là người yêu âm nhạc và thơ ca, tôi có mối quan hệ khá gần gũi với gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, có nhiều dịp gặp gỡ, tâm tình với nhạc sĩ khi ông còn sống. Hôm qua 15/7, gia đình đã hiến tặng ca khúc cho Quốc hội và nhân dân. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và gia đình đã thực hiện đúng di nguyện của cố nhạc sĩ.
- Từng có thời gian Quốc ca được vận động để tìm bài khác thay thế Tiến quân ca. Vì sao thưa ông?
- Sau năm 1975, thời kỳ đất nước thống nhất, từng có cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, nghĩa là thay thế bài Tiến quân ca.
Năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 6 đã quyết định cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lúc bấy giờ cũng có một số ý kiến cho rằng không nên thay đổi Quốc ca, nhưng Ban vận động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo vẫn được thành lập.Trưởng Ban vận động là ông Xuân Thủy (Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội), ông Cù Huy Cận (Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam) làm phó trưởng ban.
- Cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới lúc đó đã diễn ra như thế nào?
- Cuộc vận động được chuẩn bị rất công phu, thông tin tuyên truyền một cách bài bản trên các báo, đài lớn của quốc gia. Thời hạn nhận ca khúc dự thi từ tháng 5/1981 đến tháng 12/1981, gần 1.500 bài hát do nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên gửi về. Hội đồng giám khảo xét duyệt chặt chẽ qua hai vòng sơ tuyển, Ban vận động chọn được 17 bài hát để trình lên Quốc hội nghe và giới thiệu rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Trong số đó, có những bài chất lượng tốt.
Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội quyết định tiếp tục giữ bài Tiến quân ca là Quốc ca. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đó cũng thấy quyết định của Quốc hội chính là ý nguyện của nhân dân nên đồng ý giữ như cũ.
Theo tôi, bây giờ nhìn lại có thể khẳng định Quốc hội đã có một quyết định đúng đắn. Điều này không đơn thuần chỉ là việc giữ Tiến quân ca làm Quốc ca, mà đã trở thành dấu mốc trong đổi mới sinh hoạt của Quốc hội, thể hiện rõ vai trò của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, vì chúng ta hiểu rằng chủ trương trước đó của cấp có thẩm quyền là vận động sáng tác Quốc ca mới.
Qua sự kiện này cũng cho thấy bất cứ chủ trương nào trước khi đưa ra đều phải nghiên cứu kỹ, tìm hiểu rõ ngọn nguồn. Đặc biệt đối với những tác phẩm có giá trị lịch sử, đã gắn bó với nhân dân thì không thể thay thế.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, giai điệu và lời ca của Quốc ca tràn đầy lòng yêu nước và tự hào dân tộc song nhiều người ngập ngừng hoặc im lặng khi tiếng nhạc cất lên ngay cả trong sự kiện quan trọng ví như khai mạc Quốc hội. Ông nghĩ sao?
- Nhiều năm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi luôn yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội, kể cả lãnh đạo Quốc hội cần phải gương mẫu hát Quốc ca. Có lần, tôi đã làm công văn đính kèm lời bài hát Tiến quân ca gửi cho từng đoàn yêu cầu các đại biểu phải học thuộc. Khi chào cờ thì mỗi đại biểu phải hát thật to, thật rõ ràng Quốc ca. Việc này nhìn chung được thực hiện rất tốt, nhưng cũng có lúc bị lơ là.
Theo tôi, câu chuyện trên đến nay vẫn không cũ. Tôi theo dõi khá kỹ, thấy kể cả trong một số sự kiện trang trọng thì ở hàng đầu nhiều người hát Quốc ca, có người không hát. Nhiều trường học thay vì tự hát Quốc ca trong giờ chào cờ lại bật nhạc có lời. Thật khó để lý giải điều này. Tôi cho rằng, từ những việc như chào cờ, hát Quốc ca sẽ dạy cho trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Hiến tặng "Tiến quân ca" theo tâm nguyện của nhạc sĩ Văn Cao Ông Nguyễn Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết, gia đình hiến tặng bài Tiến quân ca cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và tổ quốc là "thể theo tâm nguyện của nhạc sỹ Văn Cao". Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944 khi tác giả mới 21 tuổi. Tháng 11/1944, chính tay nhạc sỹ Văn Cao đã viết và in bài Tiến quân ca trên trang Văn nghệ của báo Độc Lập số đầu tiên. Ngày 22/12/1944, bài Tiến quân ca được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sỹ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 16 - 17/8/1945 tại Đại hội quốc dân đồng bào Tân Trào, Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ trung ương lâm thời. Tiến quân ca ra mắt lần đầu tại quảng trường Nhà hát lớn trong cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của nhân dân Hà Nội ủng hộ mặt trận Việt Minh ngày 19/8/1945. Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, hàng triệu quần chúng nhân dân đã hát vang bài Tiến quân ca trong lễ chào cờ tại buổi Lễ tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 1 (tháng 3/1946), Tiến quân ca chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được ghi vào Điều 3 của Hiến pháp năm 1946. Võ Hải |
Hoàng Phương thực hiện