Nó còn nhớ như in những ngày Tết khi nó mười tuổi. Lúc ấy, nó vẫn còn là một cậu nhóc hồn nhiên và nghịch ngợm. Như bao đứa trẻ con khác, nó cũng háo hức đón Tết lắm. Tết đến, nó được ăn nhiều bánh kẹo, được ngắm pháo hoa, được ăn những bữa cơm xum vầy cùng ông bà, cha mẹ... và điều mong đợi nhất đối với một đứa trẻ con nhà nghèo như nó là tiền mừng tuổi. Nhà nó neo người, họ hàng cũng không ai khá giả nên tiền mừng tuổi của nó ít hơn rất nhiều so với bạn bè cũng trang lứa. Nhưng dù ít, nó vẫn rất vui và luôn hồi hộp mong ngóng từng đồng mừng tuổi trong những ngày Tết.
Khi hết Tết, nó sẽ gom góp những đồng tiền mừng tuổi ít ỏi ấy để mua cho mình một món quà. Có năm là một chiếc áo len, có năm lại là một cuốn sách, cũng có năm chỉ là một đôi dép tổ ong... Năm ấy, nó muốn mua một chiếc cặp sách mới. Một chiếc cặp sách rất đẹp, được bán ở chợ huyện, nó đã ấp ủ muốn mua từ lâu. Có chiếc cặp mới, nó sẽ không còn phải bỏ sách vở vào túi ni lông (chiếc cặp cũ của nó đã bị lũ cuốn trôi) và ra Tết nó sẽ không còn bị bạn bè chê cười nữa.
Đồng tiền mừng tuổi đầu tiên mà nó nhận được là từ mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ phút giao thừa mẹ lại mừng tuổi cho hai anh em nó. Mẹ chúc anh em nó học giỏi và chăm ngoan. Cầm những đồng tiền mừng tuổi thấm đầy mồ hôi mẹ, anh em nó reo lên, hòa tiếng cười vào tiếng pháo hoa rộn rã.
Mùng một, mùng hai và mùng ba, nó xúng xính diện bộ đồ đẹp nhất để đi chơi Tết. Nó đến nhà ông bà, cô, chú và đi chợ Tết... Đi đến đâu nó cũng nhanh mồm chúc Tết để được người lớn mừng tuổi. Những đồng tiền mừng tuổi được nó vuốt phẳng phiu và kẹp vào một quyển vở. Quyễn vở mỗi ngày sẽ một dày lên như hy vọng.
Mùng bốn, gần như hết Tết, số tiền mừng tuổi của nó không được nhiều như mọi năm. Chỉ được phân nửa cái cặp sách. Nó hụt hẫng vô cùng. Biết phải làm sao, vì nó trót khoe với lũ bạn rằng ra tết nó sẽ có cặp sách mới. Đi học lại xách cái túi ni lông, tụi bạn nó sẽ cười chết mất. Làm sao để kiếm được thêm mấy chục nghìn nữa. Xin mẹ? Không! Hôm nay nó có nghe mẹ nó thở dài vì hết tiền đong gạo. Hỏi vay em gái? Cũng không! Vì nó thương em gái nó lắm. Em gái nó bị bệnh tim bẩm sinh, hay bị ngất nên đủ tuổi vẫn chưa được đến trường. Được mừng tuổi đồng nào là em nó thường đút ngay vào lợn đất. Em nó bảo số tiền đấy để dành đến lúc đi học.
Và thế rồi, không biết xoay sở thế nào để đủ tiền mua một chiếc cặp sách mới, nó đã dại dột nghe lời xúi giục của một đứa bạn cùng xóm, mang hết những đồng tiền mừng tuổi của mình ra đầu làng để thả xóc đĩa. Người ta bảo đặt một sẽ thành hai. Nhưng kết quả là mất sạch. Nó về nhà như người mất hồn, không ăn cơm, lên giường trùm chăn. Mẹ và em gái có hỏi thì nó bảo đi chơi về mệt quá nên ngủ sớm.
Mùng năm, sáng sớm em gái nó đã gọi nó dậy, bảo nó dẫn ra chùa xem hội đu. Em gái nó năn nỉ mãi nó mới chịu đi. Ra tới hội đu, em gái nó đòi ăn kem. Khổ nỗi, trong người nó không còn một đồng nào để mua kem cho em nó. Nó bối rối khi em nó kéo tay nó đi đến quầy kem. Nhưng bất ngờ là em nó đã móc trong túi một số tiền lẻ đủ để mua hai que kem. Nó một chiếc và em nó một chiếc. Nó có hỏi em nó sao tiền mừng tuổi vẫn chưa đút lợn. Nhưng lòng nó như nghẹn lại khi em nó trả lời rằng đã đập lợn đất để lấy tiền cho mẹ đi đong gạo, chỉ giữ lấy mấy nghìn lẻ để mua kem... Lúc ấy, hai mắt nó cay xè. Nó muốn chạy đến một nơi thật vắng để bật khóc.
Đứng cạnh em nó, nó thấy mình thật nhỏ bé, bồng bột và nông nổi. Que kem này, khoảnh khắc này khiến nó nhận ra giá trị lớn lao của những thứ mà nó từng cho là nhỏ nhoi trong cuộc sống. Mọi thứ quanh nó không đơn thuần là giá trị của vật chất, mà còn một giá trị thiêng liêng hơn cả là tình người.
Tết năm nay, dù công việc trên thành phố có bận rộn thế nào đi chăng nữa, nó cũng sẽ về quê xum vầy bên mẹ. Đêm giao thừa, nó sẽ là người mừng tuổi và gửi gắm những lời chúc tốt lành nhất cho mẹ. Nó sẽ thắp hương lên ban thờ em nó và kể lại cho mẹ câu chuyện từ thuở ấu thơ mà mỗi mình nó biết "Mẹ ơi! Con vẫn chưa mua được cho em một que kem".
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Trần Thái Hưng