Giải diễn ra từ ngày 14/2 đến 19/2 tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TP HCM. Đây là lần đầu tiên, vợ chồng Tiến Minh – Thuỳ Trang cùng tranh tài sau khi về chung một nhà. “Là vợ chồng cùng nhau thi đấu cho một đội tuyển tôi thấy có chút thú vị”, Tiến Minh chia sẻ cùng VnExpress. “Tuy nhiên, do đã đi thi đấu chung cùng nhau nhiều năm nay nên tôi không quá bỡ ngỡ hay hồi hộp”.

Tay vợt Tiến Minh sẽ đánh giải mở hàng đầu năm mới trên sân nhà.
Giải cầu lông Robot đồng đội nam nữ châu Á là giải đẳng cấp châu lục mà Việt Nam được Liên đoàn cầu lông châu Á trao quyền đăng cai tổ chức. “Việt Nam đã tổ chức nhiều giải cầu lông quốc tế mở rộng, gây được tiếng vang lớn. Vì thế, Liên đoàn cầu lông châu Á tín nhiệm và trao quyền cho chúng ta tổ chức giải đấu tầm cỡ này”, ông Nguyễn Phương Nam, phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, trưởng Ban tổ chức cho biết.
Để tổ chức giải đấu “năm sao” này, Việt Nam phải đáp ứng mọi điều kiện về cơ sở vật chất thi đấu, chỗ nghỉ cho VĐV… “Chúng tôi phải lắp thêm dàn đèn mới ở nhà thi đấu Nguyễn Du nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của giải đấu”, ông Nam chia sẻ. “Bên cạnh đó là các phòng chức năng, phòng nghỉ, phòng y tế... đều được chuẩn bị kỹ càng”.
Phái đoàn của Liên đoàn cầu lông châu Á cũng đã đến khảo sát sân thi đấu, khách sạn, khẩu phần ăn nơi VĐV ở. “Là giải đấu đẳng cấp nên họ kiểm tra rất kỹ, từng chi tiết một. Chúng tôi mừng vì Việt Nam đáp ứng nhu cầu để giải đấu được diễn ra”, ông Nam nói.
Theo Ban Tổ Chức, dù Liên đoàn cầu lông châu Á có nhiều hỗ trợ và theo qui chế thì đây là Giải tranh cúp vô địch Châu Á của các quốc gia nên không có tiền thưởng, nhưng điều kiện tổ chức rất cao. Vì vậy, đây là giải đấu tốn kém kinh phí và nguồn lực rất lớn, tổng chi phí tổ chức hơn 250.000 đôla. Ông Nam vừa là phó Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Việt Nam vừa là Chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP HCM, Chủ tịch Công ty Robot. “Chúng tôi có lợi thế khi Robot là nhà tài trợ chính và thêm nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ khác. Vì thế, tổ chức giải không tốn kinh phí của Liên đoàn và ngân sách nhà nước. Việc mang được giải đấu này về Việt Nam là cơ hội tốt để phục vụ cho những người yêu mến môn cầu lông. Ngoài ra, các VĐV, HLV Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận, học hỏi, cọ xát với các VĐV, HLV đẳng cấp thế giới. Đó là điều chúng tôi mong muốn nhất. Thông qua giải đấu, cầu lông Việt Nam sẽ được tăng uy tín và cũng quảng bá thêm về đất nước, người dân Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh thân thiện, mến khách”.

Vợ chồng Tiến Minh - Thuỳ Trang quyết định dồn sức thi đấu hết năm 2017 rồi mới quyết định sinh con.
Dự kiến có năm trận đấu từ vòng tứ kết, bán kết và chung kết được phát sóng trực tiếp ra nước ngoài. Mỗi trận đấu có thể kéo dài từ 4-5 tiếng và được Việt Nam sản xuất nhưng việc phát sóng, giữ bản quyền thuộc về Liên đoàn cầu lông châu Á. Họ sẽ phân bổ các kênh quốc tế, phát đến các nước có VĐV tham dự.
Giải sẽ áp dụng hệ thống tính điểm điện tử, live score, trực tiếp trên youtube và áp dụng công nghệ mắt diều hâu (hawk-eye) để xác định điểm rơi của cầu.
Hiện đã có 14 đoàn đăng ký tham dự, trong đó có các đoàn mạnh như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… các VĐV tham dự có thứ hạng trong top 10 và top 20 thế giới.
Đức Đồng