- Ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ở mức rất thấp và người dân còn ngại chuyện vay nợ. Ông đánh giá thực tế này của Việt Nam như thế nào nếu so sánh với các nước khác?
- Tôi từng làm ở nhiều thị trường khác nhau, khá tương đồng với Việt Nam và đều thấy các biểu hiện trên cũng đúng với các thị trường mới nổi khác.
Nhiều năm trước đây ở Ấn Độ, khi còn làm cho CitiBank và phát triển lĩnh vực thẻ tiêu dùng cho khách hàng, tôi nhận ra đối thủ cạnh tranh của mình không phải các ngân hàng khác có những sản phẩm tương tự. Thay vào đó, đối thủ của những ngân hàng như chúng tôi chính là tiền mặt.
Để có một thị trường bán lẻ tốt, nơi đó phải có quy mô dân số lớn, trong đó những người này phải biết cách kiếm tiền và tiêu tiền. Tôi thấy ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, mức độ vay nợ của dân chúng rất thấp. Mọi người không có thói quen vay tiền, điều này khác hẳn với văn hóa tiêu dùng ở Mỹ hay châu Âu. Ở những nền kinh tế mới nổi, điểm quan trọng là bao nhiêu người dân có tài khoản ngân hàng? Nhưng tôi thấy tỷ trọng này vẫn nhỏ ở Việt Nam.
- Vậy làm sao để thay đổi nhận thức của người dân, thưa ông?
- Theo tôi, không có giải pháp thần kỳ nào cho bài toán này. Ở các thị trường mới nổi, để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là cả một câu chuyện dài và cần sự kiên nhẫn, mất nhiều thời gian.
15 năm trước ở Ấn Độ, người ta vẫn trả tiền mặt khi nghỉ ở khách sạn còn nay bạn có thể thấy ở Singapore, đi taxi họ cũng quẹt thẻ.
Nếu thói quen vay tiền của ngân hàng để trang trải nhu cầu, sau đó làm việc để trả nợ ngân hàng tăng sẽ kéo theo sự phát triển của khối ngân hàng bán lẻ. Tôi nghĩ cần có biện pháp mạnh mẽ và kiên trì để xây dựng thói quen này.
- Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng từng đề xuất việc cấm người dân mua nhà, ô tô, chứng khoán bằng tiền mặt nhưng vấp phải sự phản ứng khá dữ dội từ phía người dân. Vậy kinh nghiệm của các nước khác như thế nào?
- Tôi nghĩ có thể học hỏi kinh nghiệm từ Singapore với những bước tiến lớn của họ trong chuyện này. Chính phủ cần ban hành những quy định để nâng cao tính minh bạch. Ví dụ như ở Singapore, khi mua bất động sản online, trên đó sẽ có đầy đủ các thông tin, ví dụ như 20 giao dịch lớn nhất chẳng hạn hoặc giá của các giao dịch trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sự minh bạch có vai trò lớn khuyến khích người dân sử dụng.
Khi còn thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt thì Chính phủ sẽ khó thu đủ thuế thu nhập cá nhân đáng lẽ ra có thể thu. Đây là thách thức của cả Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ khi nền kinh tế còn dựa trên tiền mặt. Bên cạnh đó, nó có thể còn dẫn tới việc tiền mặt được đầu tư vào các hạng mục không mang lại lợi ích và hiệu quả cho nền kinh tế. Trên thực tế, điều này đã và đang xảy ra ở các nước.
- Theo ông tình hình kinh tế hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam?
- Vấn đề nổi cộm nhất của Việt Nam chính là nợ xấu, trong đó kéo theo sự ảnh hưởng của thị trường bất động sản. Thị trường này có liên hệ mật thiết với tỷ lệ nợ xấu cao của Việt Nam và Chính phủ cần có biện pháp để đưa bất động sản trở lại như trước đây. Theo tôi, ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cần được kiểm soát và quản lý một cách hiệu quả để tránh tạo ra những bong bóng như vừa qua.
- Hiện Chính phủ Việt Nam cũng vừa bơm 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng lớn để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, qua đó cũng giúp giải quyết tồn kho cho bất động sản. Với kinh nghiệm của mình, theo ông cần có lưu ý gì với biện pháp này?
- Đây là quá trình tốn kém thời gian và không thể nhanh được. Chính phủ cần lập các công ty mua bán nợ để tái cấu trúc lại các khoản nợ xấu cũng như cần đưa ra những quy định quản lý rủi ro an toàn và hiệu quả hơn.
Ở các nước khác đã phát triển, vốn cho thị trường bất động sản được điều tiết tốt và chặt chẽ. Tiền mua nhà của người dân dù đã trả nhưng nó vẫn nằm trong một tài khoản phong tỏa và chủ đầu tư chỉ nhận được khi đã xây nhà xong đến một giai đoạn nào đó nhất định. Còn ở những nước như Việt Nam, tôi thấy người mua nhà hoàn toàn không biết tiền của mình đang được chủ đầu tư rót vào đâu.
Nói vậy để thấy những giải pháp chặt chẽ về luật pháp sẽ giúp ích cho cả người mua, cho Nhà nước và các nhà đầu tư. Chúng tôi đánh giá cao gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng những khoản cho vay mang tính trợ cấp này chỉ mang tính ngắn hạn.
Thanh Thanh Lan