Con số này tính đến 18/5 và giảm từ 68,3 tỷ USD so với 17/5, và 140 tỷ USD so với cuối tuần trước. Lượng tiền mặt của chính phủ Mỹ chịu áp lực giảm do các biện pháp của Bộ Tài chính nhằm tránh vượt giới hạn trần nợ công 31.400 tỷ USD.
Trong khi đó, tính đến ngày 17/5, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn 92 tỷ USD bằng các biện pháp đặc biệt để giúp chính phủ thanh toán các khoản nợ đến hạn. Con số này tăng từ khoảng 88 tỷ USD hôm 10/5 nhưng cũng chỉ tương đương hơn một phần tư gói 333 tỷ USD. Gói này là các biện pháp đặc biệt - như quyền tiếp tục bán nợ - để giúp Bộ Tài chính tiếp tục xoay tiền.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhắc lại với các nhà lập pháp rằng các biện pháp đặc biệt sẽ không còn kể từ đầu tháng 6. Hôm thứ năm (18/5), bà bình luận với lãnh đạo các ngân hàng lớn rằng việc không tăng trần nợ công sẽ là "thảm họa" với hệ thống tài chính.
Hôm 18/5, các chính trị gia bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận sắp đạt được trong đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã lên kế hoạch bỏ phiếu trong những ngày tới về một thỏa thuận lưỡng đảng.
Nhưng đến sáng thứ sáu (19/5), các đại diện đảng Cộng hòa đã rời khỏi phòng họp kín chỉ khoảng một giờ sau khi buổi đàm phán mới nhất bắt đầu. Diễn biến làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đàm phán đang đi lùi.
Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán, nói rằng ông không tự tin có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này, thời hạn mà Tổng thống Biden cần để thông qua dự luật mới về trần nợ công kịp trước 1/6.
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng rời phòng họp ở Điện Capitol mà không hứa sẽ quay lại. Các nhà đàm phán cho biết sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán tập trung vào bất đồng cắt giảm ngân sách chính phủ. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói mức chi tiêu là một điểm mấu chốt khi đảng Cộng hòa thúc ép cắt giảm sâu hơn mức mà đảng Dân chủ sẵn sàng chấp nhận. Đảng Cộng hòa cũng đã loại trừ bất kỳ đề xuất tăng thuế nào như một cách để giảm thâm hụt.
"Nhà Trắng phải chuyển động và chúng tôi chưa thấy điều đó nên tạm dừng đàm phán. Chúng ta không thể chi nhiều tiền hơn vào năm tới. Chúng ta phải tiêu ít hơn năm trước. Điều này khá dễ dàng", ông McCarthy nói hôm 19/5.
Tại họp báo ở Hiroshima (Nhật Bản), nơi ông Biden đang dự hội nghị thượng đỉnh G7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận rằng có "khác biệt nghiêm trọng" giữa các nhà đàm phán. Bà cho biết Nhà Trắng sẽ "nỗ lực để hướng tới một giải pháp lưỡng đảng hợp lý", có thể thông qua cả hai viện của Quốc hội.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Ben LaBolt nói các nhà đàm phán đảng Cộng hòa mang đến một phiên bản dự luật hầu như không giảm bớt các đề xuất cắt giảm ngân sách "cực đoan". "Các đảng viên Cộng hòa đang bắt nền kinh tế làm con tin và đẩy chúng ta đến bờ vực vỡ nợ", ông nói.
Tại Hiroshima hôm thứ bảy (20/5), Tổng thống Biden nói "không hề" lo lắng về các cuộc đàm phán và cho biết chúng sẽ tiến triển theo từng giai đoạn. "Tôi vẫn tin rằng sẽ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ", ông nói. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng dường như giữ tâm lý tương tự, với 3 chỉ số chính Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều kết thúc tuần trong sắc xanh.
Phiên An (theo Bloomberg, WSJ)