Bà mẹ hai con ở quận Ba Đình, Hà Nội bắt đầu tiết kiệm tiền lì xì của con từ 10 năm trước. Trong Tết, chị sẽ để cho hai con cầm tiền, nếu có nhu cầu chi tiêu sẽ thông báo với bố mẹ, được đồng ý sẽ chi. Hết Tết, gia đình ngồi tổng kết lại. Số tiền mừng tuổi thường dao động từ 4-5 triệu đồng mỗi bé. Chị Trà dùng số tiền này mở hai sổ tiết kiệm đứng tên mẹ đồng thời làm hai sổ tiết kiệm giả để trao cho các bé.
"Đây là năm thứ 10 tôi trao 'sổ giả' cho con, trên có ghi tên tuổi, số tiền. Những năm còn nhỏ các cháu rất hào hứng khi được nhận sổ có tên mình", Thanh Trà, mẹ hai bé 9 và 14 tuổi, chia sẻ.
Hàng tháng chị trả lãi cho mỗi con 10.000 đồng vào đầu tháng, cuối mỗi năm trả thêm 300.000-400.000 đồng. Các con có thể tự quyết định chi tiêu số tiền này, như làm từ thiện hay góp tiền du lịch với cả nhà. Cứ sau một năm chị gộp tiền mới mở sổ khác, dần dần con số ngày một lớn.
Mùng 6 Tết năm ngoái, chị Lê Thanh Bình, 31 tuổi ở Long Biên, Hà Nội tổng kết tiền mừng tuổi của hai con. "Mẹ sẽ dùng tiền này mua cho hai anh em mỗi bạn một chỉ vàng. Có thể thiếu một chút nên mẹ bù", chị nói.
Bé Đức Anh, con trai lớn 6 tuổi liền bê một con lợn nhựa, bẽn lẽn: "Mẹ lấy thêm tiền ở đây mua này". Mổ lợn ra, tổng tiền được 1.066.000 đồng. Hóa ra đây là tiền bán vỏ lon, bìa giấy mà con trai nhặt nhạnh ở chung cư mỗi sáng cuối tuần, cũng như bán bìa carton hàng hóa và đi ship hàng hộ mẹ.
Từ lúc có con đầu, chị Bình đã sử dụng tiền mừng tuổi của con, bên cạnh các khoản khác mà con có được, tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ, vừa để tiết kiệm, vừa mang ý nghĩa bảo vệ cho con. Đầu năm mới, sau khi nộp khoản tái tụng, số dư còn lại chị sẽ thêm bớt để mua vàng. "Sinh nhật năm nay, hai anh em được dì mừng 50 triệu đồng nên mình đã bù thêm chút mua một đủ một cây vàng cho hai bạn", chị Bình chia sẻ.
Nhờ được dạy tư duy về tiền sớm nên Đức Anh luôn có ý thức kiếm tiền, tiết kiệm, đồng thời mong muốn giúp đỡ những trường hợp kém may mắn hơn mình. Cậu bé thường đề nghị dùng khoản tiền mình có mỗi dịp để đóng góp ủng hộ ở trường. Cách đây vài tuần, cu cậu bàn với mẹ trích một phần tiết kiệm, đặt 30 suất ăn sáng tặng cho các bác khó khăn trong khu, đích thân bé mang đến tặng.
Còn vợ chồng anh Minh Quang, 39 tuổi, ở quận 8, TP HCM đang dùng khoản tiền lì xì của con trai lớp 6 để đầu tư chứng khoán. Tiền mừng tuổi của bé được anh chị ghi chép lại qua các năm, đến năm ngoái vừa tròn 100 triệu đồng. Khi đó anh gọi con lại đề nghị: "Bố sẽ đầu tư 100 triệu đồng này cho đến khi con vào đại học sẽ bàn giao. Đến lúc đó con tự tiếp quản. Tuy nhiên, con phải chấp nhận sẽ có thắng, có thua".
Được sự đồng ý của con, anh Quang không đầu tư kiểu lướt sóng mà chọn doanh nghiệp kinh doanh tốt để đầu tư dài hạn. Tổng kết cuối năm lãi được hơn 5 triệu đồng. "Nếu cháu muốn học đầu tư thì từ lớp 10 tôi có thể cho cháu tự quản lý số tiền này", anh Quang cho hay.
Đối với người Việt Nam, tiền mừng tuổi tượng trưng cho may mắn với người tặng và người nhận. Mọi người thường quan tâm mừng số tiền bao nhiêu hơn là xử lý tiền mừng tuổi như thế nào.
Hiện mỗi gia đình đang có một cách khác nhau để xử lý số tiền này. Một số để con trẻ tự giữ tiền, tự chi tiêu; một số cha mẹ không tin tưởng con nên giữ hộ. Mặt khác, không ít cha mẹ tịch thu tiền mừng tuổi của con vì nghĩ tiền mình phải lì xì con nhà khác thì con mới được mừng lại. Chỉ một ít gia đình thông báo cho con sẽ dùng số tiền này để nuôi heo, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, mua vàng hay đầu tư... cho con sau này.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) chia sẻ gần đây có dịp ngồi lại với bốn bạn nhỏ lớp 3, 5, 6 và 8 nói về khoản lì xì năm trước. Cậu bé lớp 8 chia sẻ đã nhờ mẹ gửi ngân hàng hộ, mỗi tháng có lãi mẹ đều cho xem.
Nghe vậy, cô bé lớp 5 và cậu bé lớp 6 trầm trồ, rồi hai đứa tranh nhau tố cáo. "Tiền lì xì của con toàn ở trong trạng thái nước bốc hơi. Đầu tiên mẹ con bảo đưa mẹ cầm, bao giờ cần đưa cho, nhưng đến lúc con cần mẹ con bảo: "Tiền nào? Tiền nào?", cậu bé lớp 6 kể. Cô bé lớp 5 đồng thanh: "Mẹ con còn bảo tiền đâu của con mà đòi. Mẹ không mừng con nhà người ta thì người ta mừng cho con chắc"...
Sở dĩ theo bà Hương, lý do cha mẹ giữ tiền lì xì, phần lớn sợ con làm mất hoặc con sinh hư, đồng thời cũng không phủ nhận nhiều cha mẹ "khó xoay vòng vốn" nên cứ lấy tiền của con lì xì con nhà khác. Trong nhiều năm làm nghề, bà thấy khá phổ biến thực trạng cha mẹ với con cái mâu thuẫn trong tiền mừng tuổi, đặc biệt với trẻ lớn tuổi.
"Cha mẹ cần rõ ràng tiền mừng tuổi của trẻ là do người khác tặng. Đây là món quà mà trẻ nhận được nên dĩ nhiên phải thuộc về những đứa trẻ, không thể coi là tài sản của phụ huynh", nhà tâm lý nói.
Có nhiều cách để xử lý với tiền mừng tuổi của con, ví như gửi tiết kiệm, nuôi heo đất, đầu tư hay mua bảo hiểm như các bậc phụ huynh trên.
Một giải pháp bà Hương đưa ra là cho trẻ học cách quản lý tài chính từ sớm theo mô hình sáu chiếc hũ, mà bất cứ đứa trẻ nào có thể dễ dàng học được qua Google. Ví như có thể phân chia: 10% tổng doanh thu dành cho ăn chơi, 5% từ thiện, 10% tiết kiệm, 10% đầu tư, 10% chi cho một chương trình học, hũ còn lại có thể thuyết phục con đóng góp cho gia đình (nếu cha mẹ không yên tâm cho con giữ nhiều).
Quản lý tài chính là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong vấn đề phát triển bản thân cũng như hạnh phúc gia đình của con em chúng ta sau này. Có câu "một người biết lo, bằng kho người biết làm", "lo" có thể hiểu là hoạch định chiến lược và đối với gia đình hay cá nhân thì chính là hoạch định tài chính.
"Khi con chưa thành niên, ba mẹ có quyền giám hộ, bảo vệ tài sản cho con, tuy nhiên cần giải thích và thuyết phục để con đồng ý. Nếu ba mẹ cứ bảo giữ hộ rồi nghiễm nhiên không trả, trẻ sẽ rất nhớ và cũng có thể sẽ học được bài học không trung thực tài chính từ người lớn", nhà tâm lý nói.
Phan Dương