Thứ năm, 18/4/2024
Thứ ba, 16/2/2016, 15:40 (GMT+7)

Tiền lẻ rải khắp nơi ở đền chùa Hà Nội

Trong khuôn viên nhiều chùa, đền, phủ Hà Nội, ngoài hòm công đức, tiền lẻ được rải cả ở chân tượng Phật, gốc cây, hốc đá, hay dưới bia tưởng niệm.

Bước sang ngày làm việc thứ hai của năm Bính Thân 2016, tại nhiều đền chùa, phủ ở Hà Nội, người dân vẫn nô nức đổ về lễ bái.

Phủ Tây Hồ sáng nay chật kín người đến làm lễ đầu năm. Dù năm nay Ban quản lý đã bố trí rất nhiều hòm công đức từ trong các điện chính hay ở bên ngoài, tuy nhiên cảnh rải tiền lẻ khắp nơi vẫn tái diễn.

Nhiều người còn rải tiền ở khe chân tượng Phật trong điện chính...

...hay ném tiền qua hàng rào, vào khuôn viên nơi trồng hoa, gốc cây. 

Cứ sau vài phút, nhân viên Ban quản lý phủ lại phải đi thu dọn số tiền lẻ về đặt trên ban. Nhiều tờ tiền mệnh giá 10.000, 20.000 đồng được đặt, hay gài cả vào những thẻ hương, cành hoa. Đại diện Ban quản lý cho hay, thường xuyên thông báo lên loa phóng thanh để người dân nắm rõ, tuy nhiên nhiều người vẫn để tiền lẻ không đúng nơi, đúng chỗ.

Còn tại chùa Trấn Quốc, trong sáng mùng 9/1, nhiều người dân đặt tiền khắp mọi nơi, cả dưới tấm bia đá khắc chữ giới thiệu về cây bồ đề.

Mỗi khi có gió, tiền lẻ bị thổi bay khắp nơi, nhiều người phải nhặt rồi bỏ gọn vào một chỗ hay đưa vào hòm công đức.

Tiền lẻ cũng được rải ở gốc cây, hay cạnh những cây hoa trồng xung quanh gốc bồ đề.

Đền Quán Thánh cũng trong tình trạng tương tự, tiền lẻ được đặt khắp nơi, dưới chân voi đá...

...thậm chí được nhét vào khe đá nhân tạo bên hiên của đền chính. Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, cho rằng rải tiền lẻ vô tội vạ ở đình chùa là hành động kém văn hóa, làm mất mỹ quan. “Rải một đống tiền lẻ nơi cửa Phật với mong ước thu lại một đống tiền khác lớn hơn là điều không bao giờ có. Mục đích đi cúng bái trở thành vụ lợi. Chốn linh thiêng thì điều cần nhất là tấm lòng thành", tiến sĩ Khanh giải thích.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, hay những người làm công tác văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đều cho rằng, việc rải tiền của người dân ở các đền chùa, miếu mạo hiện nay hoàn toàn không nên, vì “đây là hành động phỉ báng Phật, thánh thần, làm bẩn cửa Phật. Những điều đó làm sao thánh thần chứng giám cho”.

“Đến chùa, quan trọng nhất là cái tâm, mỗi người chỉ cần nhất vái là đủ. Lễ vật thể hiện thành tâm, chỉ một nải chuối xanh, một ngọn nến thắp, một cành hoa, nén hương là đủ”, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh.

Phương Sơn