Bởi đã lâu rồi, sân Hàng Đẫy mới thu hút được đông khán giả đến thế khi CLB bóng đá Hà Nội thi đấu. Theo con số của ban tổ chức thì đã có tới 13.000 khán giả đến sân Hàng Đẫy để theo dõi trận đấu. Đấy là con số trong mơ với những người làm bóng đá Hà Nội. Trận khai mạc V-League mùa trước của Hà Nội, số người đến sân Hàng Đẫy chỉ bằng một phần ba hôm nay.
Bầu không khí tại Hàng Đẫy hôm qua khiến tôi nhớ lại một trận đấu của CLB Hà Nội 11 năm về trước. Năm ấy, đội bóng này còn mang tên là Hà Nội T&T và chỉ là một lính mới ở giải hạng Nhì. Trận đấu giữa họ và đội Quang Minh DEC - đối thủ nặng ký nhất tại vòng loại - diễn ra ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, ngoại ô Hà Nội.
Có lẽ do hạn chế về kinh phí, nên đối thủ của Hà Nội T&T ngày hôm đó đã chọn sân Nam Hồng, một sân bóng có thể gặp phổ biến ở nhiều làng quê trên khắp Việt Nam: không có khán đài hay tường bao quanh, mặt sân thì mấp mô, phần sân đất có khi còn nhiều hơn mặt cỏ… Nó chỉ là một mảnh đất trống, dựng lên hai cái cột gôn, và phải tới khi có mấy trận giải hạng Nhì ấy, mới được kẻ vẽ đường biên cẩn thận.
Ấy thế mà trận đấu “hạng lông” trên sân đấu thiếu chuyên nghiệp ấy lại trở thành một ngày hội thực sự. Không quảng cáo, không loa đài thông báo, khán giả địa phương quây kín sân, thậm chí còn tràn đầy ra đường để say mê theo dõi hai đội bóng vô danh, vốn chẳng có chút gốc gác liên quan gì đến họ. Tôi nhớ ở thời điểm diễn ra trận đấu ấy, truyền hình cũng đang phát sóng trực tiếp một sự kiện thể thao quan trọng. Nhưng cuộc so tài giữa hai đội hạng Nhì, với những cầu thủ không ai nhớ tên, vẫn tạo được ra ngày “hội làng” rực rỡ.
Thời đó, tôi viết những bài báo đầu tiên trong đời. Và một trong số đó, có tiêu đề là "Ngày hội Nam Hồng". Cho dù đó chỉ là một địa phương không có gì nổi bật, một chấm nhỏ trên bản đồ mà ngay cả dân Hà Nội cũng chẳng mấy người biết, thì cuộc cổ vũ buổi chiều hôm ấy khiến cho những người chứng kiến phải xúc động. Mãi đến gần đây, vẫn còn có những bạn bè đã cùng có mặt ở sân Nam Hồng năm ấy cùng tôi, nhắc lại kỷ niệm này.
CLB Hà Nội đã đi một hành trình rất dài từ sau trận đấu trên cái sân đất ở ngoại thành Hà Nội ấy. Họ từ một đội bóng hạng Nhì vô danh đã trở thành một trong những đội thành công nhất Việt Nam. Nhưng bầu không khí ngày hội ở Nam Hồng có lẽ vẫn là thứ mà những nhà lãnh đạo CLB này thèm muốn. Trong nhiều năm nay, kể từ khi những tượng đài Thể Công và Công An Hà Nội không còn tồn tại, thì sân Hàng Đẫy luôn là một sân đấu vắng vẻ bậc nhất V-League.
Người ta đã làm mọi cách để kéo khán giả đến sân. Khi tân tỷ phú USD Trần Đình Long còn làm bóng đá, từng có bài báo mỉa mai CLB Hòa Phát Hà Nội của ông nên đổi tên thành Hòa Phát Hưng Yên. Do khán giả đến sân cổ vũ đội bóng này đều là công nhân của tập đoàn này tại khu công nghiệp ở Hưng Yên. Vào ngày thi đấu các “cổ động viên” này được chở đến sân trên những chiếc ôtô biển 89. Nhưng ngay cả việc chi viện cổ động viên của bầu Long cũng không thể khiến các khán đài ở Hàng Đẫy bớt đìu hiu. Từ bầu Long cho đến các ông bầu khét tiếng khác như bầu Kiên (Hà Nội ACB), bầu Hiển cũng đều bất thành trong việc hâm nóng các khán đài của sân Hàng Đẫy.
Sự khác biệt giữa sân Nam Hồng và sân Hàng Đẫy có lẽ nằm ở vấn đề niềm tin. Tại cái sân đất nằm bên rìa làng năm xưa, khán giả tin tưởng rằng được chứng kiến một trận đấu quyết liệt, vô tư, nên họ vẫn xem say mê. Trong khi đó, những tai tiếng đầy rẫy của V-League từ vấn đề bạo lực sân cỏ, trọng tài cho đến bóng ma ”tiêu cực” chính là thứ khiến khán giả ngán ngẩm, mặc định quay lưng với giải đấu này. Đó cũng là lý do mà một số giải bóng đá “phủi” sân 7 người ở Hà Nội còn thu hút được một lượng khán giả đến theo dõi trực tiếp còn cao hơn cả các trận đấu V-League tại Hàng Đẫy.
Nhưng điều đó hoàn toàn có thể thay đổi ở mùa giải năm nay. Hiệu ứng từ chiến tích để đời của U23 Việt Nam đã khiến người hâm mộ quan tâm đến bóng đá nội nhiều hơn, kéo khán giả đến sân đông hơn. Rất nhiều người tôi quen đã nói rằng mùa này sẽ cố đi xem V-League thường xuyên hơn. Thậm chí, có người vốn chưa bao giờ là fan của CLB Hà Nội cũng đã đến sân cổ vũ. Rõ ràng, đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời để các CLB Việt Nam tạo dựng được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.
Nhiệm vụ của những CLB Việt Nam là phải tận dụng được bước đà tuyệt vời này. Họ cần giữ khán giả tiếp tục ở lại với V-League bằng thứ bóng đá sạch, bằng một tinh thần thi đấu quả cảm, nhiệt huyết, hết mình vì màu cờ sắc áo như U23 Việt Nam đã thể hiện.
Bằng không khi cú doping tinh thần U23 Việt Nam qua đi, thì những ngày hội ở Hàng Đẫy hôm qua sẽ lại trở thành giấc mơ xa xỉ, mà dù có là tỷ phú, cũng không mua nổi.
Tất Đức