Sáng nay, trao đổi với VnExpress, ông Phùng Tuấn Sơn, Phó phòng Quản lý dự án 3 (Ban quản lý dự án Thăng Long) cho biết, dự án đường nối đại lộ Thăng Long vào Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam dài 11 km đã được lập dự án từ năm 2001, trước khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội.
Tuy nhiên, do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng khó khăn nên Bộ GTVT quyết định phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 chiều rộng mặt đường 12 m, kết cấu mặt đường mỏng với lớp thảm thô chỉ dày 7 cm. Sau gần 10 năm, đoạn đường được hoàn thành dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm, với tổng đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Đại lộ Thăng Long tồn tại nhiều bất cập khi triển khai. Ảnh: Bá Đô. |
Theo ông Sơn, mặt đường mỏng trong khi lượng phương tiện (nhất là xe chở quá tải) qua lại tăng cao hơn mức tính toán nên mặt đường đã bị phá hỏng sau 2 năm sử dụng. Ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu sửa chữa khoảng 200 m2 mặt đường bị rạn nứt và một số ổ gà trên tuyến.
"Chúng tôi đã lường trước khả năng hư hỏng đường nên vẫn bố trí đơn vị ứng trực xử lý. Để nâng cấp con đường này, cần phải thảm thêm 5 cm mặt đường. Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng và nâng cấp đường theo giai đoạn 2", ông Sơn cho biết.
Với tiêu chuẩn thiết kế đường cấp 3, tốc độ thiết kế 60 km một giờ, nhưng gần đây nhiều người đi trên đại lộ Thăng Long đã phản ánh, không thể chạy xe với tốc độ này. Đoạn qua xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đang bong nứt trên diện rộng, nhiều ổ gà, ổ trâu với đường kính gần 1 m sâu hơn 10 cm. Taluy bảo vệ đường qua xã này cũng sạt lở và được cắm các cọc tre...
Vì thiếu 1.700 tỷ đồng nên sau 2 năm thông xe, các cầu vượt trên đại lộ Thăng Long vẫn dang dở. Đó là các cầu Mễ Trì, Phú Đô, An Khánh, Phương Bản, Hoàng Xá, Bắc Phù Cát, Sài Sơn. Hiện, chỉ một số cầu được tiếp tục hoàn thiện còn lại đã 'đắp chiếu' nhiều năm. Không đường dẫn, sắt thép trên cầu hoen rỉ, bụi bẩn bủa vây khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. |
Đoàn Loan