Đây là thông tin trong báo cáo tài chính quý IV/2023 được VPBank công bố. Theo báo cáo, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng trở thành điểm sáng trong hoạt động huy động của ngân hàng với đà tăng trưởng 33% so với cuối năm 2022, giúp nâng tỷ lệ CASA trong cơ cấu huy động lên 17,6%.
Đại diện ngân hàng cho biết, điểm sáng CASA phản ánh hiệu quả của các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi của VPBank thông qua các giải pháp thanh toán và dịch vụ tài khoản, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài CASA, quy mô huy động và tín dụng của VPBank vẫn đạt tăng trưởng nhờ huy động vốn ngoại và bán lẻ trong bối cầu tiêu dùng trong nước phục hồi yếu.
Cụ thể, huy động gồm giấy tờ có giá của ngân hàng mẹ tăng trưởng vượt trội 37,1% so với năm 2022, đạt 470.500 tỷ đồng cao hơn trung bình ngành 13,2%, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thanh khoản của ngân hàng. Phân khúc khách hàng cá nhân của VPBank tiếp tục là đầu kéo tăng trưởng khi đóng góp 62% tổng huy động của toàn ngân hàng, đạt hơn 290.000 tỷ đồng.
Bên cạnh huy động trong nước, trong năm 2023, VPBank đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn dài hạn quốc tế, nhằm tối ưu chi phí vốn và củng cố bảng cân đối. Ngân hàng ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, tương đương 7.200 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), để thúc đầy tín dụng xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ trong năm 2023 đạt hơn 527.000 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2022, tiếp vốn cho đa dạng các phân khúc và ngành nghề trong nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng ở phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cuối năm 2022, với động lực sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng. Cho vay trong phân khúc chiến lược khác là SME cũng ghi nhận mức tăng 7,3% so với năm 2022, dù lực hấp thụ vốn của khu vực sản xuất kinh doanh trong năm vẫn còn chậm.
Các tỷ lệ an toàn thanh khoản của ngân hàng mẹ như cho vay trên huy động (LDR) đạt 79,6%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt 25,3%, đều ở mức tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nhờ chiến lược phủ phân khúc và đẩy mạnh số hóa xuyên suốt, quy mô khách hàng của toàn hệ sinh thái VPBank, tính tới cuối năm 2023, đạt hơn 30 triệu người. Riêng trong phân khúc khách hàng cá nhân, VPBank đã ghi nhận 4 triệu khách hàng tăng thêm so với cuối năm 2022, nhờ liên tiếp đẩy mạnh giới thiệu các giải pháp tài chính toàn diện và cá thể hóa cho từng nhóm chân dung khách hàng, tập trung thu hút khách hàng trên các nền tảng số.
Ngoài ra, theo đại diện của nhà băng, một điểm tích cực khác trong năm 2023 đến từ VPBankS và OPES. Hai công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm sau hơn một năm được sáp nhập vào VPBank đã đóng góp hơn 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này đã đưa tổng lợi nhuận của VPBank, VPBankS và OPES trong năm ngoái lên gần 15.000 tỷ đồng.
Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit sau quá trình tái cấu trúc từ quý II/2023, cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực nhờ chuyển đổi mô hình quản trị, áp dụng chiến lược cho vay thận trọng hơn, trong khi tiếp tục cải tiến quản trị rủi ro và thu hồi nợ.
Trong năm qua, nhà băng cũng phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với tổng giá trị đạt 1,5 tỷ USD, giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của ngân hàng lên gần 140.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, tăng 35% so với năm 2022.
Nền tảng vốn lớn mạnh, đứng thứ hai hệ thống về quy mô vốn chủ sở hữu, đã đẩy nhanh tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng mẹ lên hơn 17%, cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Trong năm 2023, VPBank đã thực hiện cam kết chi trả hơn 8.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.
Đại diện nhà băng đánh giá, tiềm lực tài chính cùng mối quan hệ với SMBC giúp thúc đẩy mảng kinh doanh mới – phân khúc khách hàng FDI trong năm 2023, nhằm tận dụng cơ hội thị trường để tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận bổ trợ cho các phân khúc truyền thống.
"Hơn 250 khách hàng doanh nghiệp FDI thu hút trong năm là điểm nhấn trong hoạt động của khối FDI", đại diện ngân hàng nói.
Tận dụng dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam, ngân hàng cũng giới thiệu ra sản phẩm Tài trợ chuỗi cung ứng ra thị trường, cung cấp vốn tới cho cả nhà cung cấp và nhà phân phối trong chuỗi cung ứng.
Đến năm 2026, VPBank đặt mục tiêu phát triển bền vững trong trung và dài hạn thông qua xây dựng và áp dụng Khung quản trị rủi ro ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
Nhờ đó, nhà băng bước đầu được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận các nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. ĐVPBank đã lần thứ 5 liên tiếp lọt top 20 doanh nghiệp có cổ phiếu nằm trong danh mục Chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) của HoSE. Ngân hàng đồng thời nhận giải thưởng "Ngân hàng dẫn đầu về Tài chính Khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và giải thưởng "Ngân hàng xuất sắc trong lĩnh vực quản trị rủi ro khí hậu" do Tạp chí Asia Risk trao tặng.
Thảo Vân