Kết thúc 9 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận thêm 2,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng tại nhà băng lên gần 13 triệu người. Trong đó, 44,4% khách hàng mới gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 42,9% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.
CASA của ngân hàng trong quý III cũng tăng 3,2% so với quý liền kề. Theo ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank, động lực tăng trưởng CASA đến từ hai hoạt động chính là giao dịch hàng ngày và giao dịch phục vụ nhu cầu đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn bởi lo ngại rủi ro từ các kênh đầu tư và vẫn thách thức tiềm ẩn ở nền kinh tế cả trong và ngoài nước. Đây là lý do chính khiến CASA toàn ngành sụt giảm.

Khách hàng giao dịch tại Techcombank. Ảnh: Techcombank
Để vượt qua thách thức này và tạo đà tăng trưởng CASA, theo ông Hưng, Techcombank tập trung vào ba trụ cột quan trọng.
Đầu tiên là giải pháp thúc đẩy giao dịch, đưa trải nghiệm, sản phẩm liên quan đến giao dịch mang tính chất may đo, cá nhân hóa đến từng khách hàng. Techcombank tiếp cận theo chuỗi giá trị từ nhà cung cấp, đến nhà sản xuất, nhà phân phối, rồi đến tay người tiêu dùng để thúc đẩy lưu thông, giao dịch phi tiền mặt, từ đó tăng CASA.
Ngân hàng tập trung vào giải pháp thanh toán tiện lợi và an toàn với Tpay ở các chuỗi cửa hàng Winmart để thu hút người tiêu dùng. Ở phía đơn vị bán hàng, Techcombank cung ứng giải pháp thu hộ, thanh toán QR247 giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí vận hành. Ở cấp độ doanh nghiệp lớn, nhà sản xuất, Techcombank đưa ra giải pháp quản lý dòng tiền, tối ưu thanh khoản.
Các giải pháp của Techcombank giúp giải quyết những bất cập doanh nghiệp, nhà bán lẻ (merchant) đang gặp phải ở nhiều góc độ, phục vụ toàn diện chuỗi luân chuyển hàng - tiền.
"Chúng tôi cung cấp những nền tảng mang tính chuyên biệt và khác biệt, để ngay cả khi các doanh nghiệp dùng 2, 3 ngân hàng trở lên, đều có thể quản lý trạng thái tài chính trên một báo cáo chung, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp", ông Hưng nói.

Khách hàng sẽ được tư vấn bởi các nhân sự có chuyên môn tại Techcombank. Ảnh: Techcombank
Song song đó, ngân hàng thúc đẩy tín dụng, cấp vốn cho khách hàng để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng hướng đến mục tiêu hỗ trợ khách hàng tiếp cận tín dụng dễ dàng nhất, phù hợp nhất nhưng vẫn quản trị được rủi ro, duy trì chi phí ở mức lành mạnh.
Trong tiêu dùng hay trong kinh doanh, khách hàng luôn có nhu cầu vốn. Nếu đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ thúc đẩy được giao dịch, thúc đẩy kinh doanh, qua đó mang lại CASA tăng trưởng cho ngân hàng.
Cuối cùng, đối với các sản phẩm đầu tư và tối ưu hóa tài sản, Techcombank giúp khách hàng có nhiều tài sản đầu tư theo những khẩu vị rủi ro khác nhau, đạt hiệu suất tốt nhưng đảm bảo bền vững chứ không đánh đổi rủi ro không lường trước.
Theo ông Hưng, khi khách hàng đầu tư sản phẩm tài chính khác nhau cũng có mối quan hệ mật thiết đến CASA. Đồng nghĩa, khi tài sản tài chính của khách hàng tại Techcombank tăng gấp đôi thì CASA tăng 25%. Nhà băng hiện đang quản lý hơn 300.000 tỷ tài sản khách hàng, chiếm 50% thị phần khách hàng thu nhập cao.
Trong ngắn hạn của năm 2023, ông Hưng cho rằng trước yếu tố vĩ mô, sự phục hồi hoạt động giao dịch của khách hàng còn yếu, chưa quay lại như trước, tỷ lệ CASA sẽ ở mức đi ngang hoặc giảm nhẹ so cuối năm ngoái.
Song, những giải pháp Techcombank đang triển khai, đồng hành cùng chính sách chung của chính phủ về thúc đẩy thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, đầu tư công, vốn FDI..., sẽ giúp tỷ lệ CASA của Techcombank.
Thảo Vân