Ngày ấy TP HCM chưa có nhiều trung tâm thương mại, không gian thương mại ngầm lại càng không. Mỗi lần ra nước ngoài, lang thang dưới các ga tàu điện ngầm nhìn ngắm, mua bán cả ngày không hết, tôi thầm ước một ngày thành phố của mình sẽ có không gian ngầm cho dân chúng, có khoảng thông tầng nối lên mặt đất đón ánh sáng tự nhiên, có khu mua sắm, ăn uống, rạp chiếu phim tiện lợi. Hẳn đó sẽ là một không gian hấp dẫn, vừa đầy mảng xanh, vừa nhộn nhịp sôi động, và vừa kích thích kinh tế cả đêm lẫn ngày phát triển.
Một ngày mưa mới đây, tôi được nghỉ và muốn đi mua sắm thật thoải mái. Nếu ở TP HCM, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới khu "Vincom xanh", Parkson, khu "Vincom trắng" và Takashimaya. Chúng tôi bàn bạc, đến Parkson, gửi xe bên đường, đi bộ thêm vài trăm mét vào tòa nhà. Mua sắm xong, lấy xe đi thêm chưa đầy một cây số, đến Vincom, gửi xe dưới hầm tòa nhà, lên mua sắm, ăn uống. Rồi lại lấy xe ra khỏi hầm, đi thêm chưa đầy một cây số, đến Takashimaya, lái xe xuống hầm. Dạo chơi xong ở đây, chúng tôi phải lấy xe dưới tầng hầm, tới một nơi khác. Hoặc nếu bạn muốn vào chợ Bến Thành, nơi không có chỗ gửi xe, bạn nên đi bộ hay bắt taxi.
Nếu trời bỗng đổ mưa bất chợt hay nắng nóng trên 30 độ như ngày nào bất kỳ của miền nhiệt đới, cuộc mua sắm sẽ trở nên phiền phức. Nó có thể chấm dứt bởi ai đó mệt, cáu kỉnh, thậm chí bị cướp giật trên một đường phố trung tâm. Những hình dung mới chỉ nghĩ đến thôi đã làm bạn chán không muốn ra đường.
Sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi quyết định ở nhà. Gia đình tôi không phải những người tiêu dùng giàu có. Nhưng nếu không chỉ một mình gia đình tôi có suy nghĩ ấy, các trung tâm mua sắm sẽ thiệt hại một khoản vì đáng ra sẽ có nhiều người đi mua sắm, ăn uống hơn. Lợi ích kinh tế được tạo ra từ những hành vi cá nhân như vậy.
Nhưng hành vi cá nhân này mới manh nha rất có thể không bị khựng lại khi những trung tâm thương mại ở trái tim thành phố gần 10 triệu dân được nối liền với nhau bằng hệ thống phố đi bộ dưới lòng đất như tại châu Âu hay Nhật Bản. Nếu có sự thông nhau dưới mặt đường Đồng Khởi, đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Lê Thánh Tôn, bạn sẽ không mất công và mất thời gian, tiền bạc, thêm sự cáu kỉnh vì tiền gửi xe khu vực này tính theo giờ với giá cao nhất thành phố; rồi lấy xe ra, rồi lại gửi xe với thái độ kẻ cả không cần khách của người giữ xe; hoặc bắt taxi để đi đoạn đường rất ngắn trong trời mưa nặng hạt, dễ trở nên cáu kỉnh vì chiếc taxi ấy vòng đi vòng lại trên những cung đường bị cấm hai chiều, tài xế tỏ vẻ khó chịu vì khách đi chặng quá ngắn, và bạn thì lỉnh kỉnh các túi đồ trên tay. Nếu TP HCM có một thế giới ngầm dưới đất kết nối tốt với nhau, cuộc sống của chúng ta sẽ tiện nghi hơn rất nhiều.
Chính quyền TP HCM từ nhiều năm nay đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để xã hội hóa việc xây dựng không gian ngầm, cụ thể là những bãi giữ xe phía dưới những công viên lớn như Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, hay gần đây là đường Lê Lợi, kết hợp với tuyến metro số một. Kế đó, quy hoạch tổng thể không gian ngầm khu trung tâm thành phố và xây dựng nó là điều trước sau đô thị này cũng phải thực hiện.
Bản đồ án quy hoạch không gian ngầm của TP HCM tôi được xem cách đây hơn chục năm có lẽ đã bị vùi trong ngăn tủ nào đó. Chúng ta vẫn chưa có những bãi đậu xe ngầm, hay rộng hơn, một mạng lưới không gian ngầm cho thành phố như mong đợi. Với kỹ thuật xây dựng hiện đại, người ta hoàn toàn có thể đào rất sâu đến 5, 6 tầng dưới lòng trung tâm thành phố và tận dụng tối đa những khoảng không đó.
Lục tìm các nguồn thông tin, tôi mới biết, hóa ra lý do của vấn đề không có gì quá đặc biệt: do chính quyền và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung. Các dự án bãi đậu xe ngầm nói riêng cũng như các dự án xây dựng hạ tầng bãi đỗ xe tại TP HCM khó triển khai nhiều năm qua là do chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với chính quyền.
Xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí gấp khoảng ba lần bãi đậu xe thông thường. Trong khi đó, giá đỗ xe hiện nay do thành phố ban hành và quản lý, nhà đầu tư không thể thay đổi. Mức giá quá thấp không đảm bảo nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, chưa nói đến có lãi. Do đó, các doanh nghiệp phải tính toán, tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh khu đậu xe để bù chi phí. Tỷ lệ thương mại quá thấp thì hiệu quả kém, tỷ lệ thương mại cao thì ảnh hưởng đến chức năng các khu công cộng. Và đến nay, hai bên vẫn chưa có tiếng nói thống nhất về lợi ích.
Vậy, cơ chế ưu đãi nào khả dĩ để nhà nước có không gian ngầm công cộng - giải tỏa bài toán áp lực giao thông và tăng tính tiện lợi cho cư dân đô thị, vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư?
Trước hết, cần thống nhất lại cách tư duy, rằng quy hoạch ngầm, gồm đường đi bộ, bãi giữ xe, khu mua sắm, ăn uống, giải trí không phải một dự án công trình công cộng riêng lẻ. Nó là một phần của tổng thể lớn hơn trong chiến lược phát triển không gian đô thị. Những dự án khác tại trung tâm gồm dự án bất động sản, kinh doanh, công trình cộng đồng, dịch vụ du lịch... chắc chắn hưởng lợi từ công trình ngầm.
Khi đó, nhà nước có thể chủ động tạo ra một consortium (tổ hợp doanh nghiệp) bao gồm nhà nước và những nhà đầu tư trong khu vực đó. Các thành viên của consortium sẽ bàn cách chia sẻ chi phí, cách thức kết nối dự án của mình vào công trình ngầm, làm sao để vận hành, kinh doanh hiệu quả các cấu phần đó. Bù lại, dự án của nhà đầu tư sẽ được ưu đãi thêm hệ số sử dụng đất, hoặc giảm tiền sử dụng đất. Không cần phải đổi đất lấy hạ tầng, bằng hệ số sử dụng đất "thưởng thêm" cho các dự án hưởng lợi từ không gian ngầm đó, nhà nước vẫn có thể huy động vốn từ nhà đầu tư và ràng buộc họ trong qúa trình vận hành kinh doanh.
Mô hình consortium này không mới ở nhiều nước, nhưng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò đóng góp cho xã hội, cộng đồng của mình. Nhà nước cũng thật sự minh bạch, vì chỉ cần cho dự án thêm một tầng nghĩa là thêm một khoản sinh lời rất lớn cho doanh nghiệp, vừa tạo nên gánh nặng cho hạ tầng đô thị xung quanh.
Chúng ta không thiếu người làm quy hoạch đô thị giỏi. Và một đại đô thị như TP HCM cũng đang không thiếu nguồn lực cho việc đó. Có lẽ cái chúng ta thiếu nhất là cơ chế để khai thông nhiều nguồn lực tiềm ẩn trong xã hội, để các thành phần trong xã hội cùng chung tay giải quyết những khó khăn mà thành phố đang vướng mắc. Không gian ngầm là một ví dụ.
Chỉ khi lãnh đạo thành phố quan tâm hơn đến một khía cạnh khác, là lợi ích của dân chúng bên cạnh lợi ích của nhà đầu tư và chính quyền, tôi tin việc khai thác không gian ngầm sẽ được thúc đẩy. Một phần chỉ số tăng trưởng kinh tế, sức mạnh của một đô thị không ở đâu xa, nó nằm ngay trong ví những công dân.
Lê Nam